02/02/2014 - 14:43

Mạng xã hội và những cái “bẫy” vô hình

Chúng ta không thể phủ nhận những tiến bộ và tiện ích đáng kinh ngạc mà kỷ nguyên công nghệ số mang lại cho cuộc sống. Đặc biệt trong những năm gần đây, mạng xã hội với tính tương tác cao và sức lan tỏa mạnh mẽ đã quá quen thuộc, thậm chí không thể thiếu trong đời sống nhiều người - nhất là giới trẻ. Nhưng nếu nhìn lại bức tranh toàn cảnh hiện nay, có thể thấy không ít người dùng mạng đang vô tình sa vào những "cái bẫy" do chính bản thân họ tạo ra.

Xã hội ảo

Con người là một thực thể có tính xã hội cao và chính hoạt động tương tác với người khác là điều kiện thúc đẩy cảm xúc, khiến chúng ta cảm thấy tích cực hơn. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng phương thức giao tiếp xã hội đã thay đổi rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Theo đó, chúng ta trở nên hạn chế tiếp xúc trực diện mà chủ yếu truyền đạt qua công cụ kỹ thuật số, nhất là mạng xã hội.

Chỉ với điện thoại, máy tính kết nối Internet, người tham gia chỉ cần thực hiện một số thao tác đăng ký đơn giản là có thể kết bạn, đăng tải hình ảnh, nhắn tin trò chuyện, bình luận các vấn đề nóng hổi hay tâm sự, chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập… mà không phải trả khoản phí nào.

Với những tiện ích như vậy, các trang mạng phổ biến nhất hiện nay như Facebook, Twitter, My Space, YouTube… thật sự tạo nên sức hút không thể cưỡng lại. Tính đến cuối tháng 9-2013, số người sử dụng Facebook trên toàn cầu đã lên tới 1,2 tỉ. Trong đó, Việt Nam với khoảng 20 triệu người dùng đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ kết nối Facebook.

Điểm nổi bật của mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet, không phân biệt không gian và thời gian. Do đó, người tham gia dễ dàng có cảm giác xung quanh mình có rất nhiều bạn cùng chia sẻ tâm tư tình cảm, nhưng rồi câu hỏi đặt ra là liệu cuộc sống của họ với những mối quan hệ như vậy có hạnh phúc hơn hay không?

Theo Giáo sư Steven Strogatz thuộc Đại học Cornell (Mỹ), các trang mạng xã hội đang khiến người dùng khó phân biệt giữa các mối quan hệ có ý nghĩa thiết thực trong đời sống với những mối quan hệ "ảo" mang đậm chất hình thức nảy sinh từ mạng xã hội. Ông lo ngại, nếu cứ mãi loay hoay trong những mối quan hệ như vậy, chúng ta có thể dễ dàng đánh mất đi những người bạn thật sự.

Những hệ lụy đau lòng

Trên thực tế, nghiên cứu của Đại học Michigan ở Mỹ cho thấy dù cảm giác sở hữu rất nhiều bạn bè như vậy, chúng ta cũng không thật sự cảm thấy vui vẻ hơn. Trong đó, đối tượng người trẻ thường xuyên sử dụng Facebook có mức độ thỏa mãn cuộc sống khá thấp, thậm chí thiên về hướng tiêu cực. Đáng nói là trong một số trường hợp, nạn nhân (chủ yếu là các cô gái) do ảnh hưởng tâm lý, suy nghĩ chưa thấu đáo mà phạm phải những hành động cực đoan, đáng tiếc.

Hồi tháng 7-2013, dư luận Việt Nam bàng hoàng trước cái chết tức tưởi của Nguyễn Thị Chầm Linh, cô nữ sinh Hà Nội vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, do trò đùa quá trớn cùng những lời bình luận khiếm nhã của bạn bè trên Facebook. Nhìn ra thế giới, cộng đồng mạng nước Ý cuối tháng 5-2013 cũng xôn xao khi cô bé 14 tuổi Carolina Picchio nhảy lầu tự tử. Theo các nhà điều tra, nguyên nhân gây ra cái chết của Picchio là do bị bạn bè bắt nạt, dùng lời lẽ lăng mạ, đe dọa trên Facebook. Trong khi đó tại Anh, nữ sinh cùng tuổi Hannah Smith cũng chấm dứt cuộc sống vì những trò đùa ác ý trên mạng xã hội Ask.fm.

Cùng với ảnh hưởng tiêu cực do suy nghĩ nông nỗi, một trong những biểu hiện đam mê thái quá ở giới trẻ hiện nay là công khai tất cả thông tin, hoạt động cá nhân, tâm sự buồn vui trên mạng xã hội mà không nghĩ đến hậu quả khi những thông tin đó lọt vào tay kẻ xấu. Như trường hợp cô gái 17 tuổi ở Úc. Hai tên cướp nguy hiểm đã có chuyến "viếng thăm" gia đình cô chỉ vài giờ sau khi bức ảnh chụp một số tiền khá lớn được cô tải lên Facebook.

Không chỉ vậy, điều đáng lưu ý khác là cộng đồng Facebooker còn đang tạo ra tiêu chuẩn mới trong xã hội với phím "like" đóng vai trò là thước đo có bao nhiêu người "thích" hoặc "chia sẻ" các thông tin do chủ nhân đăng tải. Đặc biệt là giới "hot boy", "hot girl" hiện nay luôn coi mạng xã hội là phương tiện số một để "câu like" và khoe mẽ.

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình sử dụng mạng xã hội thường xuyên có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là khi môi trường ảo trở thành nơi để mọi người phô trương thành công và hạnh phúc của họ.

Kẻ vào, người ra

Mới đây, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã công bố "bản đồ" mạng xã hội này trên trang cá nhân của mình. Dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đang tồn tại như một "mảng tối" đối với công ty, giữa lúc ở những nước khác "nhà nhà dùng Facebook, người người dùng Facebook".

Được biết, trang mạng xã hội của Mỹ đã bị chặn tại quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2008 và sau đó một năm, đến lượt Twitter cũng bị đưa vào diện kiểm soát. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Global Web Index, số lượng người tìm cách vượt qua Vạn Lý…Tường Lửa để bí mật sử dụng Facebook ở Trung Quốc giai đoạn 2009 - 2012 đã tăng từ 8 lên 63 triệu, còn người dùng Twitter tăng từ 12 lên 35 triệu. Song, những con số này vẫn như "muối bỏ bể" so với cộng đồng người sử dụng các trang mạng xã hội "made in China" được chính quyền phê duyệt (chẳng hạn như Sina Weibo và WeChat hiện mỗi trang có hơn nửa tỉ người dùng). Mãi cho đến gần đây, Bắc Kinh mới nới lỏng đối với một số trang web nước ngoài được coi là nhạy cảm về chính trị, trong đó có Facebook và Twitter.

Nhưng khi Trung Quốc dần mở cửa thì cộng đồng Facebooker ở chính quê nhà của mạng xã hội này lại đang cân nhắc có nên tiếp tục dùng hay không. Tờ Daily Mail cuối năm ngoái cho biết có hơn 9 triệu tài khoản sử dụng Facebook ở Mỹ và 2 triệu người ở Anh đang rủ nhau từ bỏ trang mạng xã hội này do lo ngại vấn đề bảo mật thông tin - đặc biệt sau bê bối do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), bên cạnh những áp lực tiêu cực từ bạn bè ảo hay chỉ đơn giản là lo sợ bị nghiện Internet.

 

Chia sẻ bài viết