02/03/2018 - 07:42

Màng phủ siêu mỏng biến kính thường thành “kính thông minh” 

Các loại “kính thông minh” hiện nay có khả năng đổi màu để chống nắng và giúp người dùng giảm nhu cầu sử dụng máy điều hòa. Tuy nhiên, chúng cần dùng điện để vận hành. Tin vui là các nhà khoa học Úc vừa chế tạo ra loại màng phủ từ vật liệu rẻ tiền vanadium dioxide (VO2), cho phép biến đổi kính thường thành kính thông minh mà không cần nguồn điện.

Một mẫu kính phủ VO2 được giới thiệu. Ảnh: RMIT

Một mẫu kính phủ VO2 được giới thiệu. Ảnh: RMIT

Sản phẩm màng phủ kính do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Madhu Bhaskaran tại Đại học RMIT phát triển mỏng chỉ từ 50-150 nanomét. Ở nhiệt độ dưới 670C, VO2 là vật liệu cách nhiệt, nhưng vẫn cho phép ánh nắng chiếu vào trong nhà. Khi nhiệt độ tăng trên 670C, VO2 chuyển đổi thành kim loại, giúp che chắn bức xạ hồng ngoại gây hại sức khỏe. Điều này đồng nghĩa bên trong căn phòng sử dụng màng phủ kính VO2 luôn ổn định bất kể nhiệt độ bên ngoài tăng hay giảm, qua đó hạn chế sử dụng máy điều hòa hoặc lò sưởi. Ngoài ra, người sử dụng vẫn có thể loại bỏ tính năng ngăn chặn tia nắng của màng phủ kính bằng một nút điều chỉnh, nếu muốn.

Công nghệ này hứa hẹn sẽ giảm chi phí sử dụng năng lượng cũng như cắt giảm đáng kể lượng khí thải các-bon từ các tòa nhà.

HẠNH NGUYÊN (Theo Newatlas)

Chia sẻ bài viết