18/09/2023 - 09:06

Man United rối như “tơ vò” 

BÌNH DƯƠNG

Trong 10 năm kể từ khi HLV huyền thoại Alex Ferguson về hưu, người hâm mộ Manchester United thường xuyên trải qua cảm giác như đi tàu lượn, hy vọng rồi lại tuyệt vọng. Man United dưới thời Erik ten Hag hiện nay cũng vậy.

Man United hiện xếp thứ 11/20 tại giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: Stretty News

Cách đây không lâu, Old Trafford tràn ngập sự lạc quan nhờ mùa giải ra mắt khá thành công của HLV Ten Hag khi đoạt Carabao Cup và lọt vào tốp 4 để có vé dự Champions League. Tuy nhiên, mùa giải mới trôi qua chưa đầy 1 tháng, ông Ten Hag đã phải đối mặt với hàng loạt chấn thương và bê bối của học trò. Danh sách chấn thương hiện có Raphael Varane, Luke Shaw, Tyrell Malacia, Mason Mount và Sofyan Amrabat. Giải quyết xong vụ bê bối của Mason Greenwood, tưởng như đội bóng sẽ yên ổn để tập trung thi đấu. Thế nhưng, liên tiếp các vụ Antony bị cáo buộc hành hung bạn gái và Jadon Sancho chỉ trích thầy trong tuần qua, đã phủ thêm màu u ám lên bức tranh chung tại Old Trafford hiện nay. Antony phải nghỉ thi đấu "vô thời hạn", còn Sancho dự kiến sẽ rời đi vào đầu năm tới.

Kể từ khi dẫn dắt "Quỷ đỏ" hè 2022, HLV Ten Hag đã mất rất nhiều thời gian để khắc phục các vấn đề, từ thành tích khởi đầu tệ hại, "cái tôi quá lớn" của Cristiano Ronaldo, bê bối Greenwood tấn công bạn gái và giờ là cặp đôi Antony - Sancho. Nhà cầm quân người Hà Lan cũng đã cố gắng tạo sự ổn định cho đội bóng nhưng không kéo dài.

Ban lãnh đạo Man United thì đưa ra nhiều quyết định tệ trên thị trường chuyển nhượng, mà có thể mượn thương vụ hậu vệ Eric Bailly để tóm tắt tình cảnh. Man United mua Bailly với giá 30 triệu Bảng nhưng kể từ năm 2021 đến nay anh chỉ ra sân 13 lần cho đội một, để rồi phải chuyển sang CLB Besiktas dưới dạng tự do mới đây. Tương tự còn có trường hợp của Marcos Rojo, Chris Smalling và Phil Jones. Man United đã trao cho 4 cầu thủ này các hợp đồng có tổng thời hạn 13 năm nhưng chỉ nhận lại được 67 lần ra sân của họ.

Phần lớn những vấn đề của Man United, đặc biệt ở khâu nhân sự trong giai đoạn hậu Alex Ferguson, đều là cách đối phó tạm thời chứ không có tầm nhìn xa. Những bản hợp đồng như Paul Pogba, Antony, Harry Maguire, Sancho, Romelu Lukaku, Angel Di Maria là ví dụ về cách mua sắm, tầm nhìn dài hạn và bài học cho sự ổn định trong phòng thay đồ. Mặc dù nằm trong tốp 6 cầu thủ đắt nhất lịch sử Man United, Pogba, Lukaku, Di Maria và Sancho đều là "bom xịt".

Hành động "chữa cháy" khá vụng về đôi khi còn được thể hiện qua cách chiêu mộ cầu thủ theo dạng "vét" thị trường như các tân binh Sergio Reguilon và Amrabat trong hè này. Man United còn đưa về tiền đạo trẻ Rasmus Hojlund và "biến" anh thành chữ ký đắt thứ 7 của CLB mặc dù tài năng chưa được kiểm chứng.

Ở thượng tầng, nhà Glazer đã để lại vết đen quá lớn trong việc điều hành Man United. Những ông chủ này chịu chi nhưng lại không tâm huyết với bóng đá. Bên cạnh đó, sự mập mờ trên bàn đàm phán bán lại Man United đã khiến anh em tỉ phú người Mỹ bị mất điểm đáng kể trong mắt các đối tác và giới hâm mộ. Chưa có CLB lớn nào ở châu Âu có giới chủ liên tục bị người hâm mộ biểu tình phản đối như Man United.

Chia sẻ bài viết