Ngày xưa, làng tôi nghèo, nghèo lắm, dân làng sống bằng nghề nông, mọi nguồn lợi đều cậy vào cây lúa. Bà con ở quê tôi thường bảo rằng: Quê mình bám vào gốc rạ... Vâng, gốc rạ là cội nguồn của lúa. Cây lúa được tận dụng từ gốc đến ngọn, lúa là nguồn thực phẩm quý giá đã đành mà ngay cả phần thân lúa khô ráp vàng vọt kia vẫn là nguồn nguyên liệu cần thiết: Mùa gặt xong, rơm rạ được chất thành đụn, thành cây. Hình ảnh đống rơm là biểu tượng của cải. Nhà nào càng nhiều cây rơm nhà ấy càng khấm khá. Rơm lại chia nhiều loại: rơm nhau được lót giường để tránh cái giá lạnh của mùa đông. Rạ được chọn những sợi dài suôn để đánh tranh. Những cọng rạ dài được xếp ngay ngắn tếch lại thành tấm để lợp nhà...
Làng quê ngày xưa sao mà nghèo đến thế! Cả làng toàn là nhà tranh, thỉnh thoảng cũng có một vài mái ngói. Mái ngói như một bông hoa đỏ đẹp nhưng dường như lạc lõng giữa màu xám của sự nghèo khó. Lại nữa, xóm tôi nằm ven “bờ giồng” (con đê). Bờ giồng vừa dài vừa cao như che chắn, ấp ủ những mái tranh. Đi trên bờ nhìn xuống người ta có cảm giác là có thể sờ tay vào mái nhà được. Những mái tranh lè tè, san sát như cố tựa vào nhau cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn và cả sự ấm áp, chống lại gió mưa.
Mùa đông trời lạnh, buổi chiều bầu trời như xuống thấp khiến cảm giác những mái tranh càng thấp hơn. Tuy vậy trong cái nghèo nàn ấy lại ẩn tàng bao nét đẹp mà nơi thị thành hoa lệ không bao giờ có được.
Những buổi chiều vàng, khi nắng vừa tắt thì trên những mái tranh ấy lại bừng lên sức sống. Những vầng khói lam bắt đầu bay lên, một ít quyện lấy mái tranh như còn luyến tiếc. Thỉnh thoảng vài sợi khói lam mong manh bay lên trời cao rồi tan dần, tan dần. Đó là “khói lam chiều”. Khói lam chiều báo hiệu sự ấm no, một bữa cơm ngon. Có khói là có lửa, những ngọn lửa rơm cứ bập bùng bập bùng chập chờn bóng mẹ. Đi học về mà thấy khói lam quyện mái nhà là cơn thèm ăn như bị đánh thức dậy.
Thế rồi bao cuộc đổi thay, người đi kẻ ở. Tôi lên thành phố, rồi cũng có ngày về quê. Đi ngang qua xóm nghèo ngày xưa ấy lòng tôi lại thấy nao nao, lâng lâng với bao niềm thương mến.
Trên đường về quê khi qua đê, mái tranh ngày xưa, nhà của cô tôi hầu như không có gì thay đổi. Căn nhà nhỏ hơi tối lờ mờ chiếc đèn dầu. Hai vợ chồng và hai đứa cháu đang lúi húi bên mâm cơm chiều. Ngoài trời, những cơn gió heo may đầu đông cứ từng đợt thoảng qua lặng lẽ, tuy nhiên cái lạnh không đủ sức để lay động, lấn áp cái ấm cúng của mái tranh. Căn nhà nhỏ quá khiến dường như cái thân yêu được cô đặc lại khiến mọi người gần nhau hơn nồng đượm hơn.
Trở lại thị thành mà hình ảnh mái tranh còn lẩn quẩn mãi trong óc tôi, một chút se buồn, khiến tôi tìm đến một quán nước có hình thức mái tranh với tre nứa. Ở đây khá đông người, phải chăng họ muốn tìm về những nét đẹp xưa để mà tưởng nhớ. Không biết những người đến đây có tìm thấy gì không? Riêng tôi vẫn thấy lạc lõng, chẳng hư mà chẳng thực.
Phải chăng từ nguồn rung cảm ấy mà có nhà thơ đã viết:
Mái tranh ơi hỡi mái tranh,
Bao nhiêu thương mến mà thành quê hương.
TRƯỜNG THI