14/10/2010 - 08:43

Mái nhà chung cho phụ nữ bất hạnh

Cuộc đời tưởng chừng như không lối thoát đối với những phụ nữ kém may mắn. Thật may thay trong những lúc sóng gió như thế, cộng đồng và xã hội đã dang rộng vòng tay nhân ái để kịp thời chia sẻ, động viên họ. Giờ đây, Trung tâm Trợ giúp phụ nữ-trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (gọi tắt là Trung tâm Afesip Cần Thơ) như một mái nhà chung cho những phụ nữ bất hạnh để họ tự tin với chân trời mới đầy ắp niềm hy vọng...

Như thường lệ, cứ 5 giờ sáng hàng ngày cô trò của Trung tâm Afesip Cần Thơ lại cùng nhau đi chợ chuẩn bị thức ăn cho các thành viên khác, tiếng trò chuyện cứ rôm rả trên đường đi. Mỗi ngày, các học viên ở trung tâm sẽ cùng với cô quản gia đi chợ. Công việc này cũng là một trong những nội dung giáo dục kỹ năng nhằm trang bị cho các chị kiến thức cơ bản để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình nhỏ của mình sau này. Sau khi dùng bữa sáng, các học viên tản ra đi học, người học văn hóa, người đi học nghề. Trưa và tối, họ lại về cùng nhau quây quần bên mâm cơm kể cho nhau nghe chuyện vui buồn trong cuộc sống. Buổi tối, các học viên ở đây sẽ được học kết cườm, làm hoa vải để có thể kiếm tiền gởi về cho gia đình...

Các học viên của Trung tâm Afesip Cần Thơ đang học kết cườm. Ảnh: X.ĐÀO 

Từ lâu Trung tâm Afesip Cần Thơ trở thành mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh. Có những học viên ở lại trung tâm từ những ngày đầu thành lập đến nay. Như trường hợp em K. không có gia đình, K. đã được nhận làm con nuôi trong một gia đình khá giả, do bị đánh đập nên thần kinh không bình thường. K. đã bỏ nhà đi sống lang thang, có nguy cơ là nạn nhân bị buôn bán. Địa phương đã làm các thủ tục cho K. vào ở Trung tâm và K. đã xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Vào đây, K. được các cô ở Trung tâm ổn định tâm lý, sau khi bình thường K. sẽ được đi học văn hóa. Cuộc đời của K. sẽ là những tháng ngày bất hạnh nếu như không có sự che chở của mái nhà chung này.

Các học viên đến đây đều được chăm sóc sức khỏe, phục hồi tâm lý, học nghề, học văn hóa... Mỗi tuần, các nhân viên xã hội thay phiên nhau tổ chức sinh hoạt chuyên đề với học viên, tổ chức các trò chơi dân gian, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chúc mừng sinh nhật các chị em... Ngoài ra còn nhiều hoạt động để nâng cao kiến thức cho học viên như: thi tìm hiểu nội quy trung tâm, tìm hiểu phòng tránh các bệnh qua đường tình dục, chiếu những vở múa ba lê của đôi nam nữ bị khuyết tật sau đó viết lên cảm nghĩ... Trong những dịp lễ như 8-3 hoặc 20-11, các học viên được sinh hoạt theo chủ đề. Định kỳ học viên được vãng gia về thăm gia đình và còn được đi tham quan, nghỉ mát...

Trung tâm Afesip Cần Thơ được thành lập từ tháng 6-2005 do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ trực tiếp điều hành, theo thỏa thuận hợp tác của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và AAT-Afesip với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ tái hòa nhập cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị buôn bán trở về. Đa phần các chị em lúc đầu vào đây không chịu ở, do tâm lý chưa ổn định, có lúc còn hoảng loạn. Bắt được “mạch” này, đầu tiên khi vào đây, các học viên sẽ được nhân viên xã hội giúp ổn định tâm lý, để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học viên. Sau đó, tư vấn nghề trong 2 tuần để các chị em suy nghĩ và quyết định học nghề cho phù hợp với bản thân.

Thời gian qua, hoạt động của mạng lưới hỗ trợ cộng tác viên nòng cốt đã giúp cho công tác tiếp cận và tiếp nhận các chị em trở về được thuận lợi. Đó là những cán bộ hội phụ nữ của các xã, phường, thị trấn; nhân viên xã hội... nhiệt tâm vì một cộng đồng không có phụ nữ bất hạnh, họ đã đi từng ngõ, gõ từng nhà. Như trường hợp của chị S. cách đây 4 năm, gia đình ép chị lấy chồng Đài Loan, chị đã bỏ nhà đi. Qua sự tuyên truyền của lực lượng cộng tác viên, chị biết được trung tâm và đã tìm đến đây. Nhờ sự cưu mang của trung tâm và sự trợ giúp của các cán bộ xã hội, chị đã được học nghề. Giờ đây, chị S. có một mái ấm gia đình và trở thành chủ cửa hiệu uốn tóc. Chị còn tiếp nhận dạy nghề cho những người đồng cảnh như mình trước kia, đồng thời còn là vệ tinh cho trung tâm về những trường hợp chị em có khả năng trở thành nạn nhân của tệ nạn mua bán người.

Sau thời gian 15 tháng ở trung tâm, các học viên được trở về gia đình cùng với nghề được học, cuộc sống các chị em dần được ổn định. Tuy không còn ở trung tâm nhưng nhân viên xã hội vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động tái hòa nhập của các học viên để kịp thời hỗ trợ, giúp tháo gỡ những khó khăn, bằng những chuyến đi thăm hỏi, động viên thắm đượm nghĩa tình. Ngoài hoạt động hỗ trợ nạn nhân tại trung tâm, các nhân viên xã hội cùng với Ban giám đốc, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên là cán bộ Hội ở cơ sở, đồng thời theo dõi kết quả sử dụng vốn của các đối tượng được giúp đỡ.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Afesip Cần Thơ, cho biết: Hiện tại số lượng học viên có mặt tại trung tâm là 19. Từ năm 2005 đến nay, đã có 102 lượt học viên ra vào trung tâm, trong đó có 37 học viên hồi gia. Hầu hết các trường hợp vào trung tâm là những nạn nhân bị buôn bán, lấy chồng nước ngoài và bị lạm dụng tình dục ở các tỉnh ĐBSCL... Tuy nhiên, thời gian qua số chị em gặp bất hạnh khi trở về địa phương có thể do mặc cảm đã không báo với địa phương nên việc tiếp cận các đối tượng này gặp khó khăn. Mặt khác, thời gian qua do chưa kịp thời liên hệ với các nơi có chuyên môn về điều trị tâm thần kinh nên xảy ra trường hợp nạn nhân vào đây có trạng thái tinh thần không ổn định, Ban giám đốc và nhân viên xã hội đã cố gắng hết sức nhưng chưa có kinh nghiệm xử lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên hệ với các bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để ổn định tâm lý cho những học viên này...”.

M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết