19/12/2020 - 10:55

Luật nhân quả trong “Bên kia của ánh sáng” 

Ghi dấu ấn trên văn đàn, tác giả Nguyễn Trí được gọi là “nhà văn của những kẻ khốn cùng” bởi trong tác phẩm của ông, nhân vật chính thường là những người bất hạnh. Với tập truyện ngắn “Bên kia của ánh sáng” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh), một lần nữa Nguyễn Trí cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh cùng cực, đồng thời nhấn mạnh quy luật không bao giờ cũ: “Gieo nhân nào gặt quả nấy”.

Tất cả 18 truyện ngắn trong tập truyện đầy ắp những bi kịch cùng những chuyện bi hài của thế thái nhân tình. Bối cảnh của các truyện phần lớn ở những khu kinh tế mới hay xóm lao động nghèo, vùng nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó, số phận của con người sống trong các khu vực ấy cũng bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn.

Ở đó, có những kẻ từng ở bên kia chiến tuyến làm lại cuộc đời với một thái độ bất đắc chí; có những thành phần bất hảo, phất lên từ sự xảo quyệt, lươn lẹo; có những gã trai quen đào mỏ và bám váy đàn bà; có những người phụ nữ bất hạnh, khổ vì tình; và có những con người chân chính, tử tế, vươn lên bằng nghị lực, những người ngang tàng, hảo hán, “thấy việc bất bình chẳng tha”… Tất cả hiện lên qua gần 300 trang sách, đưa người đọc đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Gia đình là một đề tài được khai thác khá nhiều trong tập truyện này. Từ tình nghĩa vợ chồng đến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, anh chị em trong nhà. Nhưng đáng buồn nhất chính là vì tiền bạc, đất đai, tài sản mà những người ruột  thịt trở mặt với nhau. Con cái bất hiếu với cha mẹ, anh chị em kiện tụng, hãm hại nhau… là những mặt trái mà các truyện: “Gió của đại ngàn”, “Vàng và tro than”, “Chả có chi là lạ” gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp của đạo đức do lòng tham con người.

Lòng tham không chỉ hủy hoại tình cảm gia đình mà còn gây nghịch cảnh trái ngang, thù oán. Vì tham mà bất chấp thủ đoạn để cạnh tranh trong làm ăn, để gian dối trong làm nghề như Hải Dép Lào trong “Trọng tội”; vì tham mà những tên đàn ông như Thân trong “Ly hôn”, Tùng trong “Linh báo thù” lợi dụng những cô gái nhẹ dạ để lừa gạt và đào mỏ; vì tham hư danh nên Thức trong “Bên kia của ánh sáng” đi sai đường… Ðể rồi sau tất cả, họ phải trả những cái giá rất đắt mà có hối hận cũng đã muộn. Kẻ trả giá bằng mạng sống, người bị lương tâm cắn rứt suốt đời hoặc sống trong hoang mang, lo sợ…

Bố cục các truyện lớp lang, có đầu có cuối với giọng kể hay dẫn chuyện bình dân, đôi lúc pha chút giang hồ, ngạo nghễ; mang lại cho người đọc cảm giác đang được nghe ai đó nói chuyện đời thường chứ không phải là một tác phẩm hư cấu. Ðặc biệt, cách hành xử “lấy ơn báo oán” của Lâm trong “Chả có chi là lạ”, sự bao dung của người cha đối với những đứa con bất hiếu trong “Gió của đại ngàn”, cách sống quân tử của Tuấn trong “Ở đâu Tết cũng vui”, tinh thần hảo hán của ông Năm “Lựu đạn” trong “Quỷ dịch”… tô đậm nét nhân văn và truyền tải những thông điệp tích cực về lối sống đẹp.

Tập truyện cũng cảnh báo về tệ nạn ma túy, cờ bạc, lô đề đang hủy hoại con người, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc bài trừ tệ nạn xã hội, của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái, còn là ý thức của mỗi người trong việc biết nói không với những cám dỗ cũng như biết đứng lên sau vấp ngã, sai lầm.

Bởi bên kia của ánh sáng luôn là bóng tối!

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết