25/07/2008 - 13:59

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi):

Luật chưa “theo kịp” hành vi sai phạm

Chiều 24-7, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI tiếp tục phiên họp thứ mười, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Báo cáo giải trình của Ủy ban quốc phòng an ninh đề nghị giữ nguyên tên gọi như luật hiện hành , tức là “Luật Giao thông đường bộ” như dự thảo Chính phủ đã trình. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và bổ sung vào dự thảo, tăng đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của luật, bao gồm quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Về chính sách phát triển giao thông đường bộ, ban soạn thảo đã bổ sung “các thành phố lớn” vào đối tượng được ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, phát biểu: Việc tuyên truyền, phổ biến luật giao thông đường bộ là hoạt động mở rộng để tạo nên ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong xã hội thì không nên quy định như phần bổ sung tại khoản 2, điều 7 là: “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến...” mà chỉ giao cho UBND, chứ HĐND giữ vai trò đôn đốc, giám sát hoạt động của UBND làm sao có người mà “tổ chức...” –. Ông Vượng cũng đề nghị: Điều 87, không nên bổ sung khoản 3 như dự thảo, là : “Chính phủ quy định việc huy động lực lượng cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết”. Theo ông Vượng: Phải chuyên môn hóa lực lượng Cảnh sát giao thông về cả nhân lực, năng lực và kỹ thuật thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng Cảnh sát khác, nhất là Công an xã không hiểu biết sâu sắc cơ chế hoạt động của Cảnh sát giao thông thì tham gia tuần tra, kiểm soát sẽ không hiệu quả.

Đối với chính sách phát triển giao thông, ông Trần Đình Đàn, Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng: Phải quy định rõ về trách nhiệm đầu tư thống nhất từ ngân sách Nhà nước; quản lý thì phân cấp theo cấp chính quyền tương đương với kết cấu đường. Ví dụ: Tỉnh quản lý tỉnh lộ, huyện quản lý đường cấp huyện, xã... Tai nạn giao thông ở đường tỉnh lộ, đường huyện, đường xã có khi bằng hoặc nhiều hơn quốc lộ, do hệ thống biển báo, cũng như chất lượng đường không đảm bảo. Vì vậy, ban soạn thảo phải nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về “nguồn” kinh phí cho từng cấp đường và phân cấp quản lý, duy tu cho tương ứng.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: Không nên quy định về “ quỹ bảo trì đường bộ” cũng như nguồn tài chính tạo nên quỹ này như dự thảo tại điều 49 đã nêu: Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác và được thành lập ở cấp trung ương, Chính phủ quy định việc lập, quản lý và sử dụng. Theo ông Hiển, quy định như vậy là tạo nên một loại “ngân sách con” không bảo đảm khả năng hạn chế sự xuống cấp của đường bộ.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), theo ông Hiển, phải quy định cụ thể hơn, vì rất nhiều hành vi vi phạm của công dân mà luật chưa “theo” kịp. Ví dụ: Người dân ở ven đường đem phơi rơm, rạ; đổ cát sỏi...xây dựng nhà cửa, lấn chiếm vỉa hè; đào, xẻ đường gây sói lở, làm đọng nước trên mặt đường, xâm lấn ta luy đường.v.v...phải đưa vào luật để nghiêm cấm với chế tài xử lý cụ thể.

Hôm nay, 25-7, Ủy ban thường vụ tiếp tục phiên họp theo chương trình.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết