05/10/2014 - 16:26

Luẩn quẩn với đổi mới tuyển sinh

Mấy ngày nay, câu chuyện đổi mới tuyển sinh trở thành thời sự nóng hổi. Và dù ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) đã giải tỏa thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng xem ra chuyện đổi mới tuyển sinh vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa làm vơi nỗi lo đối với phụ huynh, học sinh và những người làm công tác giáo dục.

Điều thứ nhất khiến nhiều phụ huynh, học sinh chưa an tâm: đầu tháng 9-2014, Bộ GD&ĐT công bố các trường đại học, cao đẳng được tự chọn môn thi tuyển sinh (nghĩa là không còn ràng buộc về khối thi truyền thống) mà yêu cầu các trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia. Nhưng 10 ngày sau, Bộ lại yêu cầu các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải tuân thủ cách xác định tổ hợp kết quả môn thi tương ứng với khối thi như những năm qua; điều này đồng nghĩa với việc vẫn duy trì các khối thi truyền thống A, B, C, D bên cạnh tổ hợp các môn xét tuyển khác. Lý giải cho sự thay đổi này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, thay đổi là "vì học sinh". Bởi năm 2015 là năm đầu tiên triển khai một kỳ thi quốc gia vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để xét tuyển vào đại học. Và học sinh đã chuẩn bị ôn thi theo các khối thi ngay từ khi bước chân vào THPT, tức là thí sinh thi năm 2015 đã ôn luyện theo khối thi từ ba năm trước.

Năm 2015, thí sinh chỉ thi một kỳ thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Trong ảnh: Thí sinh dự thi đại học tại cụm thi Cần Thơ năm 2014. Ảnh: B.NG

Điều thứ hai là chuyện tổ chức cụm thi đại học và cụm thi địa phương. Năm 2015, theo tính toán sơ bộ của Bộ GD&ĐT, cả nước sẽ có khoảng 20 cụm thi vừa để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do các trường đại học chủ trì. Tuy nhiên, từng cụm thi cụ thể thì chưa có quyết định chính thức. Để tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, không đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì để tổ chức một số cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra để các cụm thi địa phương được tổ chức nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục băn khoăn về mặt bằng chất lượng, bởi kết quả thi tốt nghiệp THPT ở những năm trước rất cao nhưng thi đại học thì lại thấp. Hệ lụy là sẽ có trường đại học tiếp tục tổ chức thêm một kỳ thi nữa để xét tuyển học sinh có năng lực vào học. Năm nay, nếu học sinh thi theo cụm ở địa phương nhưng sau đó rất muốn thi đại học, liệu cụm thi này có lấy mất cơ hội vào đại học của các em?... Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: Việc tổ chức hai cụm thi khiến cán bộ, học sinh của trường không khỏi lo lắng. Bởi vì, tại Cần Thơ có tổ chức song song hai cụm thi, thì khâu tổ chức, quản lý và giám sát như thế nào? Em Trương Huỳnh Duy, học sinh lớp 12 của Trường THPT Châu Văn Liêm, bày tỏ: "Em không rõ Bộ GD&ĐT có quy định giới hạn nộp đơn xét vào các trường đại học? Giả sử số lượng các bạn thi vào Trường Đại học Cần Thơ quá đông thì liệu trường tổ chức thi riêng?...".

Phải thừa nhận rằng, việc tổ chức gộp kỳ thi "2 trong 1" của ngành giáo dục giảm áp lực thi cử cho học sinh, chi phí cho xã hội. Lộ trình này được ngành giáo dục đặt ra ngay từ khi khởi động phương án thi "ba chung" từ hơn 10 năm trước. Thế nhưng, tâm lý chung của nhiều phụ huynh, học sinh là chưa hết mừng đã vội lo khi Bộ cứ liên tục đưa ra những thay đổi đột ngột trong tuyển sinh- những quyết sách ảnh hưởng không nhỏ đến hàng triệu thí sinh cả nước.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết