18/11/2019 - 09:56

Lúa đông xuân xuống giống sớm "né" hạn, mặn 

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ lúa đông xuân 2019-2020, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL xuống giống sớm trước 15-30 ngày so với cùng kỳ hằng năm để chủ động phòng tránh hạn, mặn xâm nhập. Ở một số địa phương nhiều cánh đồng lúa đã được gieo sạ sớm, lúa vượt lên xanh mượt mà. Nhưng trước nguy cơ khô hạn, mặn xâm nhập trong những tháng sắp tới, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chung tay, hợp sức cùng nông dân ứng phó, phòng tránh khô hạn, bảo vệ lúa đông xuân 2019-2020.

Hạn mặn đe dọa

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (bên trái) cùng đoàn công tác thăm đồng lúa đông xuân 2019-2020 sớm ở vùng hạ lưu sông Hậu.

Những ngày giữa tháng 11-2019, mực nước trên sông Hậu đã xuống thấp so với nhiều năm trước. Điều này có khả năng ĐBSCL khô hạn trong những tháng sắp tới. Đặc biệt, trong 3 đợt triều cường vừa qua (giữa tháng 9, đầu tháng 10 và giữa tháng 10 âm lịch), mực nước lên cao chỉ đạt mức từ 1,7m đến trên 1,8m thấp hơn dự báo khoảng 0,4m và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Các nhà khoa học cảnh báo đó là dấu hiệu hạn hán hiện hữu ở các con sông, kênh, rạch tại ĐBSCL. Mùa khô cuối năm 2019 và đầu năm 2020 xuất hiện sớm và xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân… Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Hằng năm, những ngày đầu tháng 10 âm lịch nước lũ đổ về tràn ngập đồng ruộng nhưng năm nay nước lũ không đổ về, đồng ruộng ít nước thuận lợi cho gieo sạ sớm lúa đông xuân 2019-2020. Theo kinh nghiệm của tôi, tình trạng này có khả năng khô hạn, mặn xâm nhập sẽ xuất hiện sớm và gây hại lúa đông xuân rất cao. Do đó, bà con nông dân bắt đầu gieo sạ sớm để "né" khô hạn…".

Các địa phương ven biển ở vùng ĐBSCL cũng gieo sạ lúa đông xuân 2019-2020 sớm để "né" khô hạn, mặn xâm nhập. Nhiều năm qua vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng luôn đối mặt với nguy cơ khô hạn sớm và xâm nhập mặn đe dọa khoảng 15.000ha lúa trong vụ đông xuân. Năm nay, ngành chức năng dự báo thời tiết vào cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 có nhiều khả năng hạn, mặn đến sớm. Do đó, để ứng phó tỉnh Sóc Trăng đã gấp rút thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt, nạo vét kênh dẫn nước nội đồng. Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh lên kế hoạch điều chỉnh lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân xuống giống sớm hơn hằng năm từ 15-30 ngày.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Nếu như hằng năm độ mặn xâm nhập đạt cao nhất vào tháng 2, tháng 3 trên vùng lúa có nguy cơ bị thiệt hại hạn mặn cao thì đến nay nông dân đã xuống giống sớm từ đầu tháng 11-2019. Do đó, dự kiến đến tháng 2, tháng 3-2020 lúa sẽ đến kỳ thu hoạch nên né tránh được hạn mặn xuất hiện". Theo kế hoạch vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh Sóc Trăng gieo sạ 176.500ha. Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 100.000ha, phần diện tích còn lại là một số vùng trũng bà con nông dân chưa xuống giống được.

Theo thống kê, đến ngày 12-11-2019, toàn vùng ĐBSCL, nông dân đã xuống giống vụ lúa đông xuân sớm với diện tích trên 550.000ha, tăng 30% diện tích so cùng kỳ năm 2018. Bộ NN&PTNT cho biết bà con nông dân vùng ven biển, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… đã chủ động xuống giống sớm vụ lúa đông xuân để phòng tránh bất lợi về thời tiết, tuân thủ đúng theo khuyến cáo lịch thời vụ của địa phương và chủ trương của Bộ NN&PTNT…

Phòng tránh khô hạn

Trong đợt kiểm tra tình hình xuống giống và chăm sóc lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương và khuyến khích nông dân chọn sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao để gieo sạ; cố gắng toàn vùng ĐBSCL xuống giống sớm đến hết tháng 11 đạt khoảng 1,2 triệu héc-ta và kết thúc giai đoạn xuống giống vụ đông xuân trong tháng 12-2019. Việc xuống giống theo kế hoạch, tiến độ đề ra thì lúa đông xuân ở vùng có nguy cơ hạn, mặn đe dọa có thể né tránh được an toàn. Tuy nhiên, các địa phương và nông dân cần thực hiện các biện pháp tích trữ nước ngọt và sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo đủ lượng nước ngọt ổn định phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân...

Năm nay, Bộ NN&PTNT khuyến cáo tập trung xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 sớm để "né" rầy và hạn mặn cuối vụ. Cụ thể, đợt 1: từ ngày 18 đến 28-10 (nhằm 20-9 đến 1-10 âm lịch); đợt 2: ngày 17 đến 27-11 (nhằm ngày 21-10 đến 2-11 âm lịch); đợt 3: từ 20 đến 30-12 (nhằm ngày 25-11 đến 5-12 âm lịch). Theo kế hoạch, toàn vùng Nam bộ sẽ xuống giống khoảng 1,55 triệu héc-ta lúa đông xuân. Cục Trồng trọt đề nghị giảm khoảng 54.500 héc-ta để tránh bị hạn mặn ảnh hưởng, nhưng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương áp dụng phương án giảm diện tích. Bộ NN&PTNT dự báo, nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân ở ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Mặt khác, theo dự báo thì việc thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao vẫn xảy ra do thiếu nước từ thượng nguồn đổ về.

TP Cần Thơ có kế hoạch sản xuất, xuống giống lúa đông xuân 2019-2020, với diện tích 80.170ha. Để phòng tránh khô hạn, thiếu nước sản xuất, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp thành phố đã nạo vét kênh mương với tổng khối lượng 255.284m3; thực hiện nâng cấp, sửa chữa đê bao, đường giao thông nông thôn với 13.447m; gia cố đắp đê bao 73.227m3, gia cố sạt lở bờ sông 1.419m; dọn cỏ khai thông dòng chảy 30.120m; phát quang tầm nhìn 66.000m2; đắp 27 đập... Tổng kinh phí thực hiện trên 35,4 tỉ đồng do nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác, phục vụ trên 13.000ha đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng khô hạn. Đặc biệt, các kênh, mương nội đồng đáp ứng yêu cầu dự trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn...

Để bảo vệ lúa đông xuân 2019-2020, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về hạn, xâm nhập mặn và biện pháp phòng tránh hạn, xâm nhập mặn. Qua đó tạo sự chủ động và tăng cường nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả và hợp lý. Các địa phương tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, có giải pháp ứng phó kịp thời đối với hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ lúa đông xuân, sản xuất nông nghiệp trên từng địa bàn; điều tiết hợp lý các công trình cống, đập, công trình thủy lợi để người dân chủ động lấy và trữ nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất, sinh hoạt...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết