CÁT ÐẰNG
“Bạn đến từ đâu” là câu hỏi đơn giản, bình thường với hầu hết mọi người, nhưng với những đứa trẻ sinh sống ở nhiều quốc gia, đó lại là một câu hỏi khó trả lời. Bởi với họ, hành trình khẳng định danh tính và tìm nơi mình thuộc về vô cùng phức tạp. Ðiều đó được tác giả có bút danh Ngọc (Bi) Nguyễn thể hiện chi tiết trong cuốn hồi ký “Ðám trẻ nhiễu văn hóa”, do NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam phát hành năm 2022.
Ngọc (Bi) Nguyễn sinh năm 1992 ở Moskva (Nga) trong một gia đình người Việt Nam. Ðến năm 3 tuổi, cô được đưa về Việt Nam sinh sống và đi học ở trường quốc tế Pháp suốt 12 năm. Khi 15 tuổi, cô lại được cho đi du học Mỹ. Quá trình đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách, tâm lý, đời sống của Ngọc. Có lúc cô rơi vào khủng hoảng tâm lý vì không trả lời được câu hỏi mình đến từ đâu và thuộc về nơi nào?
Cuốn sách gồm 3 phần: “Phần Việt Nam trong tôi”, “Phần Pháp trong tôi” và “Tôi là ai?”. Qua đó, tác giả cho thấy cô bị ảnh hưởng văn hóa của nhiều quốc gia khi chưa trưởng thành và vững vàng về tâm lý. Là người Việt Nam, sống ở Việt Nam nhưng cô nói tiếng Việt không rành bằng tiếng Pháp. Môi trường giáo dục thuần Pháp cùng những người bạn đa quốc gia đã khiến tâm hồn và cách ứng xử của Ngọc không giống những đứa trẻ Việt Nam khác. Trong khi đó trong gia đình, cô và anh trai lại được nuôi dạy bởi cha mẹ, ông bà với tính cách, văn hóa thuần Việt. Ngọc và anh trai trở thành những đứa trẻ hay xung đột, tranh luận với cha mẹ, nhất là ở tuổi dậy thì. Và khi các bậc phụ huynh áp chế, anh em cô lại phản ứng bằng những nổi loạn ngầm.
Ở tuổi 14, Ngọc “quyết định mình thực sự là người Pháp”. Nhưng chỉ một năm sau, khi được cha mẹ cho đi du học ở Mỹ, cô lại hoang mang và không biết mình là ai. Bởi không giống như những gì đã tưởng tượng, cô hoàn toàn sụp đổ và thất vọng khi sống lạc lõng trong một môi trường mới và hoàn toàn khác biệt với văn hóa Việt, Pháp. Cơn khủng hoảng này được quy trách nhiệm cho phụ huynh, những người đã thay cô quyết định nhiều chuyện hệ trọng và dường như đã không quan tâm nhiều đến cảm xúc, cũng như tình thế mà cô sẽ trải qua khi thay đổi môi trường sống. Ðến nỗi, cô bi quan thốt lên: “Họ bán cho tôi một giấc mơ viển vông mà giờ tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ đạt được”.
Bên cạnh kể lại hành trình đi tìm chính mình, cuốn sách còn có những bài phỏng vấn, khảo sát của tác giả với những người bạn có hoàn cảnh giống mình, của những đứa trẻ đang sinh trưởng trong môi trường đa văn hóa, hay bị di chuyển. Qua đó, tìm câu trả lời cho câu hỏi: mình là ai, mình thuộc về đâu, làm sao để hòa nhập vào môi trường mới? Sau tất cả, Ngọc cuối cùng cũng tìm ra giải pháp cho mình. Ðó là dung hòa các nền văn hóa và chọn những gì phù hợp nhất cho mình để sống và theo đuổi. Bởi lẽ cô nhận ra: “Tôi chưa bao giờ thực sự thuộc về bất kỳ nền văn hóa nào trong số đó, tôi chỉ thuộc về những mảnh vụn của chúng. Giống như một nhà sưu tập nghệ thuật, tôi chọn ra những yếu tố tốt nhất trong mỗi nên văn hóa mà tôi đã gặp và trưng bày chúng một cách tự hào trong bảo tàng vốn là cuộc sống của tôi” (trang 264). Suy cho cùng, “cảm giác thân thuộc về văn hóa của một người không bao giờ nằm ở nơi bạn đã sống, mà là cách bạn đã sống” (trang 265).
“Ðám trẻ nhiễu văn hóa” không chỉ là lời tâm tình của tác giả mà còn là lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc chuẩn bị cho con em theo đuổi các chương trình giáo dục nội trú quốc tế, du học hoặc chuẩn bị di cư. Cuốn sách sẽ giúp họ mở cánh cửa vào thế giới nội tâm của con trẻ và những lưu ý về các vấn đề như bản sắc văn hóa, sự hòa hợp hay những khó khăn khi sống ở môi trường mới…