05/09/2020 - 09:45

Kết nối với hệ thống phân phối nước ngoài

Lối mở cho doanh nghiệp 

Bộ Công Thương đã phối hợp với các tập đoàn phân phối lớn và các hiệp hội ngành hàng tổ chức hội thảo “Tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài”. Sự kiện thực hiện theo phương thức trực tuyến và phát sóng trực tiếp trên Facebook và YouTube đã thu hút đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, theo dõi. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp TP Cần Thơ quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Doanh nghiệp TP Cần Thơ đang thực hiện kết nối trực tuyến với các nhà phân phối nước ngoài thông qua hội thảo “Tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam”.

Doanh nghiệp TP Cần Thơ đang thực hiện kết nối trực tuyến với các nhà phân phối nước ngoài thông qua hội thảo “Tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam”.

Trợ lực

Hội thảo “Tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài” với mục đích hướng tới doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam; kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các tập đoàn phân phối lớn, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế trong nước cũng như tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo chia thành 2 phiên: Phiên tập huấn nhằm cung cấp thông tin về các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng Việt Nam khi xuất khẩu vào hệ thống phân phối nước ngoài và phiên kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) giúp cho các doanh nghiệp đã có hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các hệ thống phân phối có cơ hội trực tiếp gặp gỡ chuyên gia mua hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ðiệp, Giám đốc Công ty T-Thái (TP Cần Thơ) cho rằng, việc kết nối theo hình thức trực tuyến giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí quảng bá. Ðặc biệt, việc phát trực tiếp trên kênh YouTube, Facebook, ngoài các đơn vị tham gia hội thảo doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đến nhiều nhà phân phối trong và ngoài nước. T-Thái với sản phẩm chủ lực là da cá tra sấy ăn liền, hiện công ty đang gia công cho 5-7 thương hiệu nước ngoài, được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Tuy nhiên, công ty mong muốn sản phẩm có mặt tại thị trường Việt Nam. Ðể làm được điều này rất cần sự hỗ trợ của các nhà phân phối. 

Trong khuôn khổ Ðề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã được Bộ Công Thương phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài triển khai nhằm hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ năng lực sản xuất, phát triển thị trường và cả năng lực tài chính để đủ khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn phân phối ở nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải nhận định, thực tế chứng minh, bên cạnh việc phát triển hiệu quả hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn phân phối bán buôn bán lẻ còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.

Bà Nguyễn Minh Thùy Trân, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh (TP Cần Thơ) cho rằng, với mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, Hợp tác xã không ngừng học hỏi để đổi mới cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ là một thách thức lớn, quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, nhưng thị trường tiêu thụ khá hẹp. Do đó, rất cần sự hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Hy vọng, từ những chương trình kết nối với các tập đoàn phân phối lớn sẽ tạo cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm của đơn vị.

Giai đoạn khó khăn hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng cũng là những biện pháp doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh...

Cơ hội kết nối

Thị trường nội địa trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững cho cả nền kinh tế thương mại. Việc tăng cường năng lực doanh nghiệp không chỉ dựa vào năng lực cạnh tranh của hàng hóa mà còn phải thông qua các hoạt động tổ chức thị trường, hệ thống phân phối. Theo các chuyên gia, nếu tổ chức tốt ở khâu này thì các doanh nghiệp có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, có thị trường phát triển bền vững và kinh doanh hiệu quả hơn. Từ nhiều năm nay, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số địa phương để không chỉ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ông Fukui Tomoaki, Giám đốc cao cấp bộ phận sản phẩm Tập đoàn Aeon chia sẻ, chuỗi cung ứng của Aeon cung cấp các sản phẩm được quản lý xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn. Trong năm nay, Aeon đã xuất khẩu sang Nhật Bản sản phẩm cá basa, chuối, khoai lang giống Nhật được trồng tại Việt Nam. Aeon muốn hợp tác để mang đến khách hàng không chỉ tại Việt Nam mà còn tại Nhật Bản và các nước trên thế giới ngày càng nhiều sản phẩm. Chúng tôi muốn cùng các nhà cung cấp Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng để đem ra thế giới.

Chiến lược của LOTTE Mart là chú trọng nâng cao các sản phẩm ngành hàng tươi sống. Tất cả các mặt hàng cung cấp vào LOTTE Mart đều đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng, chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và các chứng nhận sản phẩm uy tín như VietGAP, Global GAP và phải kiểm tra quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu trưng bày trên quầy, lấy mẫu định kỳ hoặc ngẫu nhiên để kiểm tra nếu có nghi ngờ. Tại LOTTE Mart Cần Thơ, bên cạnh đa dạng các mặt hàng, siêu thị dành riêng khu bán hàng đặc sản địa phương, sản phẩm hàng Việt.

Năm 2012, Central Retail bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và chỉ sau 8 năm hoạt động, Central Retail hiện đang sở hữu một trong những mạng lưới trung tâm thương mại lớn nhất tại Việt Nam với 36 trung tâm thương mại đang tọa lạc tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc. Ông Karim Noui, Giám đốc thu mua và xuất khẩu Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, bên cạnh phân phối tại thị trường nội địa, đơn vị đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tìm kiếm và xuất khẩu các sản phẩm từ công, nông nghiệp đến tất cả các nước trên thế giới thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại của tập đoàn.

Ðể đáp ứng nguồn thực phẩm an toàn phân phối trong toàn hệ thống và xuất khẩu, MM Mega Market Việt Nam đang vận hành 3 trạm trung chuyển thực phẩm gồm: Trạm trung chuyển thịt heo tại Ðồng Nai; trạm trung chuyển rau củ quả Ðà Lạt và trạm trung chuyển thủy hải sản sạch tại TP Cần Thơ (cung cấp sản lượng gần 2.000 tấn mỗi năm). Ðơn vị xây dựng mục tiêu phát triển nguồn hàng từ các tỉnh, thành, đồng thời đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong các chương trình trọng điểm quốc gia như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”. Ðặc biệt, cuối tháng 10-2020 sẽ tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam nhằm giới thiệu các phẩm OCOP tại các địa phương trên toàn quốc và đặt gian hàng cố định dài hạn trong tất cả siêu thị của MM Mega Market.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Ðối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, với mục tiêu hướng tới cung cấp cho khách hàng sản phẩm chất lượng cao nhất, chúng tôi lựa chọn những nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng từ cơ quan quản lý nhà nước. Nhà cung cấp cần đảm bảo lượng hàng hóa ổn định, quy cách phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước của chúng tôi. Hiện nay, MM Mega Market không chỉ cung cấp cho khách hàng cá nhân mà còn cung cấp cho nhiều nhà hàng, căn tin, bếp ăn công nghiệp, văn phòng... Do vậy, sự hợp tác này không chỉ đơn thuần là bán hàng vào hệ thống mà còn phát triển mối quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp khác. Chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong nước như: tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của MM Mega Market... Từ năm 2018 MM Mega Market Việt Nam còn thực hiện xuất khẩu sang thị trường Singapore,Thái Lan, Hong Kong... Năm 2020, sản lượng dự kiến tăng 6 lần gồm các mặt hàng nông, thủy sản từ nhiều vùng khác nhau tại
Việt Nam.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết