28/07/2024 - 08:13

Lời hứa người đồng đội 

Giữa khoảng sân trước ngôi nhà, một cụ bà với mái tóc bạc trắng đang ngồi hóng mát. Nắng như trêu đùa chạy nhảy trên mái tóc bà, làm mái tóc bạc như tỏa lên thứ ánh sáng nhuộm màu nào đó rồi lại được lan tỏa sự mát mẻ bởi đủ thứ chậu cây trong khu vườn nhỏ, nơi bà ngồi lọt thỏm. Ông Dinh vừa dắt xe đạp vô cửa, nhác thấy bóng bà cụ đang ngồi dưới trời nắng, lật đật chạy lại:

- Sao má lại ngồi đây? Tivi nói nắng mùa này rát dữ lắm, lỡ bệnh thì sao?

Sấp nhỏ trong nhà nghe tiếng cũng lục tục chạy ra, vừa lúc cụ bà mỉm cười hiền từ chỉ góc nhỏ mình ngồi, nơi được con trai bày rất nhiều chậu nhỏ xanh mát một góc, trên đầu lại đủ loại cây leo, các giống lan xinh đẹp và quý hiếm, phía trước nhà còn có cây hoa giấy tỏa mát vào bên trong vườn.

- Bây trồng cây cho má ngồi hóng mát mà. Mấy lúc ra đây hít thở không khí má thấy khỏe nhiều...

Rồi bà ôm hai đứa cháu nội sinh đôi của mình, bà cháu cười vui tít mắt dưới bóng xanh.

*

*   *

Dinh và Tan thân nhau từ thuở nhỏ. Nhà họ ở cạnh nhau và cha của cả hai lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ đất nước cùng ngày, chỉ còn lại hai người phụ nữ cùng nhau nuôi con nhỏ. Thế rồi cha của cả hai hy sinh trong một trận đánh lớn. Ngày tin báo về, mẹ của Dinh ngã bệnh và cũng ra đi không lâu sau đó. Dinh trở thành mồ côi và lúc ấy chính bà Côn, mẹ Tan, đã đón Dinh về nuôi với lời hứa trong nước mắt:

- Từ giờ con cũng là con trai của má, như thằng Tan.

Thế là trong căn chòi nhỏ nơi cuối xóm năm ấy có hai người bạn thân trở thành anh em của nhau. Bà Côn đối xử với Dinh như con trai ruột của mình, đôi khi có phần yêu thương hơn vì bà thấu hiểu nỗi hụt hẫng của Dinh. Hai đứa trẻ lớn lên và khi trưởng thành cũng nhập ngũ cùng một ngày. Bà Côn khi biên thư cho hai con, đều kể đang được làng xóm yêu thương chăm sóc. Qua những năm chiến đấu, Tan đã là đội trưởng với những trách nhiệm nhất định, nên khá trầm mặc và nghiêm nghị. Còn Dinh là anh nuôi của đội, tính tình hoạt bát, năng nổ nên cậu cũng thường học được rất nhiều câu chuyện cười để về kể cho mọi người. Phải nói nơi nào có Dinh nơi đó sẽ ngập tràn niềm vui.

Dinh và Tan như là sự bù trừ cho nhau vì nếu Tan nghiêm khắc thì Dinh thường là người giúp mọi người hiểu Tan hơn. Thế mà người đội trưởng tình cảm nhưng nghiêm cẩn ấy lại mãi mãi nằm xuống, hy sinh để bảo vệ đồng đội trước trận càn dữ dội của địch. Hôm ấy Tan bị thương rất nặng, không thể nói chuyện, trong tay chỉ cầm chặt tấm hình mẹ Côn và nhìn Dinh bằng ánh mắt tin tưởng trước khi ánh sáng trong đôi mắt ấy hoàn toàn tắt. Dinh gật đầu, nước mắt tuôn rơi ngầm hiểu… Những ngày cùng chiến đấu ấy, khi rảnh rỗi hai người vẫn hay nói với nhau nếu một trong hai có nằm xuống, thì người còn lại sẽ báo hiếu và lo cho mẹ đầy đủ, đó là lời hứa giữa những người đồng đội với nhau…

*

*   *

Ông Dinh khẽ thắp nén nhang lên bàn thờ, nơi có di ảnh của ba mẹ ruột ông, ba ông Tan và cả Tan, rồi đứng lặng một lúc lâu. Bà Côn bước vào, nhìn người đàn ông luống tuổi trước mặt đang bần thần, rồi khẽ vịn tay ông, dỗ dành như thuở ông

còn thơ:

- Mọi người đều biết con đã làm rất giỏi rồi, con trai…

Ông Dinh vẫn nhớ ngày đất nước hòa bình, ông về quê xưa, thẫn thờ mãi trước hiên nhà mẹ. Khi nhìn thấy chỉ mình ông Dinh về, bà cụ gần như sụp đổ. Nhưng khi thấy ông Dinh như đổ gục khi đưa di vật của Tan về với bà, bà cụ đã nhẹ nhàng ôm lấy ông:

- Má vẫn còn con…

Câu nói đó làm ông Dinh nhớ mãi tới tận bây giờ. Ông hiểu mình là chỗ dựa của người còn ở lại. Đó không chỉ đơn thuần là lời hứa với đồng đội đã mất, mà còn là tình mẫu tử, tình nghĩa, tình cảm thân thương giữa người và người.

Cuộc sống những ngày đầu khó khăn, ông làm thầy giáo trên huyện, bà cụ vẫn làm thêm đủ việc ở nhà, lại còn bắt ông mở thêm luống rau để trồng lúc rảnh rỗi. Không cho mình ngơi tay chân phút nào cho đến ngày ông cưới, bà một tay lo chu toàn tất cả, lấy hết tiền dành dụm để con trai có một đám cưới tươm tất:

- Đây là cho con, cũng là cho dâu, một việc quan trọng của cuộc đời không thể qua loa được.

Ông Dinh đã có một gia đình nhỏ, nhưng đủ đầy, với hai đứa con sinh đôi và người vợ rất yêu thương và kính trọng bà Côn. Tới ngày giỗ hằng năm của Tan, hai mẹ con lại ôn những chuyện xưa.

- Má có nhớ lần mùa lũ lên mà tụi con cứ è đầu ra đi bơi thuyền chuối. Má giận phạt đứng úp mặt vô tường cả buổi chiều, còn cắt cơm...

- Nhớ chứ sao không? Nhìn hai bây khóc vì đói mà đứt ruột đứt gan, nhưng phải phạt cho nhớ.

Bà cụ cũng hay kêu ông Dinh kể lại chuyện thời chiến đấu nhưng tuyệt nhiên bà không khóc. Bà cụ vốn đã mạnh mẽ. Những ngày các con còn nhỏ, mỗi khi địch bố ráp, bà ôm hai đứa trẻ chạy xuống hầm trú ẩn, bụi khói nguy hiểm nhuộm trắng mái tóc đen tuyền của bà. Trong ký ức của ông Dinh luôn đong đầy hình ảnh người mẹ dang tay che chắn cho hai con trước bom rơi lửa đạn, trước nắng mưa ngày thường…

Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

 

Chia sẻ bài viết