16/06/2008 - 22:09

Diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL gia tăng

Lợi bất cập hại?

Giá lúa hàng hóa tăng cao. Trong khi đó, tôm sú nuôi chết hàng loạt, giá nhiều loại hàng hóa nông sản khác lại bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp... Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân vùng nuôi tôm, trồng cây đặc sản... ở ĐBSCL trở về với cây lúa, đẩy diện tích lúa hè thu năm 2008 tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Việc chuyển đổi này lợi hay hại?

Bỏ tôm... theo lúa

Theo Cục Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT, đến đầu tháng 6-2008, 5 tỉnh trọng điểm nuôi tôm ven biển Nam bộ là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre đã thả tôm giống nuôi trên 335.500 ha. Tuy nhiên, có hơn 17% diện tích nuôi trong số này đã bị thiệt hại, có nơi tỷ lệ thiệt hại lên đến 100%, làm cho nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư cho con tôm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân trong vùng tôm ở ĐBSCL chuyển sang trồng cây lúa.

Tại Kiên Giang, trên 2.630 ha tôm-lúa ở vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao đã chuyển sang trồng lúa hè thu thay cho nuôi tôm. Tuy nhiên, theo người dân vùng này, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khi giá lúa cao thì chạy theo cây lúa, khi con tôm được giá thì sẽ bỏ lúa nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Đức, ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), nói: “Giá lúa hiện nay đã 6.500 đồng/kg rồi. Nuôi tôm chết nhiều quá. Trồng lúa “ăn ngon” hơn. Tôi và nhiều hộ khác cũng chọn cây lúa cho vụ hè thu này, thay vì nuôi tôm như mấy năm trước...”.

Phun thuốc trừ rầy, chăm sóc lúa hè thu 2008 ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG  

Tại vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, hàng chục ngàn nông dân đồng loạt làm đơn xin được sản xuất theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm trên đất quy hoạch chuyên tôm ngay trong năm 2008 này. Ý chí đồng lòng của nông dân đã buộc chính quyền phải xem xét lại quy hoạch. Đầu vụ hè thu 2008, hàng loạt đoàn cán bộ của tỉnh, huyện liên tiếp xuống cơ sở khảo sát, nắm lại tình hình sản xuất của nông dân. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT Bạc Liêu, vụ hè thu năm 2008 phát sinh thêm gần 10.000 ha đăng ký trồng lúa trên đất nuôi tôm mới, nâng tổng số diện tích trồng lúa trên đất tôm từ đầu năm đến nay lên trên 23.000 ha.

Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, vụ lúa hè thu năm 2008, toàn tỉnh xuống giống gieo sạ hơn 24.000 ha, tăng hơn vụ lúa đông xuân vừa rồi đến trên 3.000 ha. Diện tích tăng thêm này chủ yếu là do có nhiều hộ dân ở các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú chuyển đổi từ đất nuôi thủy sản qua trồng lúa.

Bỏ cả cây công nghiệp, cây màu...

Ở ĐBSCL, vụ hè thu năm 2008, không chỉ ở những vùng tôm mà ở nhiều vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, rau màu... nông dân cũng chuyển dần sang trồng lúa. Điều này chưa có trong tiền lệ.

Điển hình như ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, nơi có diện tích khóm, tràm nhiều nhất tỉnh, tình trạng chặt bỏ cây khóm, đốn cây tràm diễn ra hàng ngày. Theo điều tra của Phòng Nông nghiệp huyện, đến đầu tháng 5-2008, đã có 320/420 ha đất trồng khóm đã chuyển sang canh tác lúa. Cây khóm Ba Đình ở ấp Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, nổi tiếng khắp đồng bằng, nay chỉ còn chưa đến 100 ha. Ông Trần Thanh Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, thừa nhận: “Do giá lúa tăng cao nên nông dân không trồng khóm mà san phẳng ruộng khóm ra trồng lúa. Chúng tôi biết, nhưng không làm gì được”. Tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, đến cuối tháng 5-2008, toàn xã có trên 50 ha diện tích cây tràm bị người dân triệt hạ để lấy đất trồng lúa.

Còn tỉnh Vĩnh Long, vụ hè thu năm 2008, có khoảng 500ha đất trồng cây ăn trái, trồng màu thực phẩm và màu lương thực tại các huyện Tam Bình, Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ được cải tạo thành ruộng trồng lúa hè thu. Nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang cũng đã giảm diện tích trồng màu trên chân ruộng nhường chỗ cho mở rộng diện tích lúa hè thu.

Lợi bất cập hại?

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ hè thu năm 2008, ĐBSCL gieo sạ trên 1,5 triệu ha, cao nhất so với các vụ lúa hè thu trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, một số tỉnh có diện tích lúa hè thu tăng cao so với cùng kỳ 2007 như: Sóc Trăng tăng hơn 73.000 ha, An Giang tăng hơn 9.000 ha... Tuy nhiên, đằng sau sự gia tăng về diện tích này chứa đựng nhiều rủi ro cho người trồng lúa, nhất là tại những vùng mới chuyển đổi.

Theo Cục Trồng trọt, vào đầu vụ hè thu năm 2008, mặc dù đã được khuyến cáo không nên ồ ạt xuống giống hè thu sớm tại những vùng có nguy cơ cao về nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhưng nông dân nhiều nơi vẫn “xé rào”. Và hậu quả đã có hàng chục ngàn ha lúa hè thu bị thiếu nước, nhiễm mặn đe dọa giảm năng suất và sản lượng.

Ông Năm Thuyền, một hộ nuôi tôm có tiếng ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Tôm-lúa là mô hình rất hiệu quả với điều kiện nông dân phải tuân thủ các quy định kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều năm nay, phần lớn nông dân lại tận dụng hết diện tích đất để nuôi tôm mà không có ao xử lý nước, rất nguy hiểm. Điển hình là đầu vụ tôm xảy ra bệnh, nông dân không trở tay kịp. Còn chuyển sang trồng lúa là giải pháp nhất thời chứ không bền vững. Nếu nông dân ở vùng U Minh Thượng đồng loạt bỏ tôm trồng lúa trong vụ hè thu là một tai hại. Không những quy hoạch bị phá vỡ mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi vụ mùa không ổn định do tôm-lúa “đá nhau”...”.

Tại Bạc Liêu, điều đáng quan tâm là một số xã ở huyện Giá Rai như Tân Thạnh, Tân Phong... nhiều hộ từ trước đến nay quanh năm chỉ quen nuôi tôm, chưa biết nhiều về kỹ thuật trồng lúa. Còn huyện Phước Long, vụ hè thu năm 2008, người dân đăng ký gần 7.800 ha chuyển từ đất nuôi tôm sang trồng lúa, trong đó có 2.290 ha mới hoàn toàn. Ông Trần Văn Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long, cho biết: “Khi nông dân ồ ạt chuyển sang trồng lúa, vấn đề địa phương sợ nhất là nguồn nước vì hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh; vừa điều tiết nước cho nuôi trồng thủy sản vừa phục vụ cho trồng lúa trong khi chỉ có một hệ thống thủy lợi là hết sức khó khăn”. Riêng vùng Nam QL 1A, được tỉnh Bạc Liêu quy hoạch chuyên tôm, người dân vẫn giữ lại trên 3.000 ha diện tích đất trồng lúa tại huyện Hòa Bình và Đông Hải. Điều đáng quan tâm là những hộ này không nhận được sự hỗ trợ nào về khuyến nông, khuyến ngư vì sản xuất không phù hợp với quy hoạch khiến việc trồng lúa đứng trước nhiều rủi ro...

Để nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa hè thu năm 2008 ngành chức năng đã vào cuộc. Đối với những vùng tôm – lúa, ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, đề xuất: “Các địa phương cần phối hợp tốt với Sở NN&PTNT để xây dựng phương án nuôi tôm, sản xuất lúa, đảm bảo mỗi lĩnh vực phải xây dựng được 2 phương án áp dụng cho phù hợp với từng thời điểm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân thực hiện tốt các hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, cán bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa và nuôi tôm...”.

Ngoài ra, trong điều kiện chi phí vật tư, cày xới, thu hoạch tăng mạnh, theo Cục Trồng trọt, ngành nông nghiệp ĐBSCL chủ động đưa ra giải pháp thay thế các loại phân bón chủ lực có giá cao như DAP, NPK bằng các loại phân đơn như u rê, Super lân, clorur kali... có giá thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. Song song đó, cần hướng dẫn nông dân thực hiện chương trình IPM, “3 giảm- 3 tăng” vào trồng lúa... để giảm chi phí sản xuất.

Nhóm PV-CTV

Chia sẻ bài viết