11/03/2020 - 13:00

Linh hoạt sáng tạo trong sản xuất 

Từ những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp, tạo ra nhiều mô hình mới, sáng tạo trong sản xuất, sinh hoạt, đoàn kết cộng đồng… giờ đây Đồng Tháp đang hướng tới mục tiêu xa hơn là xây dựng những vùng nông thôn đáng sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khen ngợi mô hình “cây xoài nhà tôi” của Đồng Tháp.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Nhiều năm qua, tỉnh triển khai đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với nội dung “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”, chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ 3 và áp dụng luân canh các loại cây trồng, thủy sản… Tỉnh chú trọng phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong dẫn dắt, hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; thực hiện các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn nước… và đã mang lại hiệu quả cao.

Các mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen; hoặc chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái, hoa kiểng, nuôi thủy sản… giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 370-450 triệu đồng/héc-ta so với canh tác lúa, trên cùng diện tích. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, giảm chi phí đầu vào, nâng chất lượng nông sản. Tổng giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2019 ước đạt 18.010 tỉ đồng, tăng 3,02 % so với cùng kỳ.

Đồng Tháp đang thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông dân, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân. Đây được xem là giải pháp căn cơ để đưa nông nghiệp phát triển bền vững, nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Song song đó, tỉnh tập trung xây dựng tinh thần hợp tác trong nông dân. Mô hình “Hội quán nông dân” là nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin... giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân; là tiền đề phát triển, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh có 90 hội quán, với khoảng 4.900 thành viên tham gia; trong đó, có 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình hội quán.

Ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết: “Ở TP Cao Lãnh có 13 hội quán. Trong đó, nhiều hội quán liên kết với doanh nghiệp bao tiêu và thu mua hàng ngàn tấn xoài phục vụ xuất khẩu. Các hội quán còn phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam sản xuất 42ha xoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Malaysia, Trung Quốc... TP Cao Lãnh được ngành chức năng cấp mã vùng trồng cho 2 loại nông sản là xoài và nhãn, với hơn 190ha. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn chứng nhận VietGAP trên 140ha nông sản cho các hội quán… Để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, nông sản phải xác định vùng trồng và xuất xứ nguồn gốc. Vì vậy, TP Cao Lãnh triển khai cấp 17 mã số vùng trồng nông sản với diện tích 1.005ha...”. 

Hướng tới “ngôi làng thông minh”

Trong chuyến công tác ở Đồng Tháp vào tháng 9-2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Đồng Tháp có nhiều nỗ lực, đổi mới sáng tạo, là điểm sáng của cả nước trong mô hình liên kết nông dân. Đặc biệt, mô hình “hội quán” đã quy tụ nông dân cùng chung tay phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời kết nối tri thức giữa các nhà khoa học, chuyên gia… hỗ trợ nông dân. Điển hình như mô hình “cây xoài nhà tôi” không chỉ yếu tố kinh tế mà còn mang tính văn hóa, tình cảm, trách nhiệm giữa người sản xuất với người tiêu thụ. “Khi tiếp xúc với nông dân nơi đây, cảm nhận sự hài lòng của bà con rất cao, thấy được sự tin tưởng của nông dân vào chính quyền. Đây là mô hình cần khuyến khích nhân rộng cho nhiều địa phương khác…”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khen ngợi.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: Từ nay đến năm 2025 và năm 2030, Đồng Tháp tiếp tục phát triển trên nền tảng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì vận hành theo “tư duy sản xuất”, Đồng Tháp hướng tới “tư duy kinh tế”, với mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Tỉnh phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận “nền nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ”, nhằm tạo ra giá trị gia tăng thông qua thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của nông nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất; nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản.

Theo ông Lê Minh Hoan, sản xuất nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, phải tính đến điều kiện suy giảm tài nguyên nước; đồng thời phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân, tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, bền vững môi trường. Nói cách khác, Đồng Tháp không chia tách nông nghiệp, công nghiệp và du lịch thành 3 lĩnh vực riêng lẻ, mà tạo thành một mảnh ghép chặt chẽ, hài hòa giữa “nông nghiệp - công nghiệp nông nghiệp - du lịch nông nghiệp” trên từng không gian sản xuất phù hợp. Theo đó, công nghiệp và du lịch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp và cơ cấu lại nguồn nhân lực nông thôn. Đây cũng là cách làm nông nghiệp bằng tư duy kinh tế.

Về lâu dài, ông Lê Minh Hoan cho biết, tỉnh thay đổi quy hoạch không gian sản xuất và không gian phân bố dân cư. Không gian sản xuất theo hướng tích hợp, không bị chia cắt địa giới hành chính cấp xã, thậm chí là cấp huyện, mà liên xã, liên huyện dựa trên điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng tương đồng. Trong từng không gian như vậy kết nối, bổ sung cho nhau giữa kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể và doanh nghiệp nông nghiệp; kết hợp giữa tích tụ ruộng đất cứng và tích tụ ruộng đất mềm, linh hoạt. Trong từng không gian sẽ hình thành các cụm liên kết ngành hàng nông sản với hệ thống hạ tầng đồng bộ, các tổ hợp logistics với quy mô nhỏ và vừa tương ứng. Trong từng cụm liên kết ngành hàng sẽ hình thành các hợp tác xã quy mô lớn hơn, đa dịch vụ hơn; các cơ sở cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào, cơ khí nông nghiệp, dịch vụ nông thôn, tạo động lực phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ. Những cụm liên kết ngành hàng sẽ là tiền đề để thay đổi về chất lượng nông nghiệp, trình độ nông dân và diện mạo nông thôn dựa trên những “ngôi làng thông minh”.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, các cụm liên kết ngành, hạt nhân cho những không gian sản xuất được gắn kết của những “ngôi làng thông minh”, còn là một cấp độ chủ động lập kế hoạch cho cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong từng cụm liên kết ngành hàng như vậy, các thiết chế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tập huấn cho nông dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển văn hóa cộng đồng, xây dựng xã hội học tập được hình thành… Đó cũng là mục tiêu, là hình ảnh của nông thôn mới, nhằm tiến tới xây dựng các vùng quê đáng sống.

Bài, ảnh: Phước Bình

Chia sẻ bài viết