19/10/2021 - 17:16

Liên kết, phối hợp nhịp nhàng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội 

Với ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, mối liên kết giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL lộ rõ hơn những bất cập trong thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Vấn đề liên kết vùng vốn đã được bàn thảo nhiều năm qua lại càng trở nên bức thiết hơn hết. Vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu tại hội nghị trực tuyến “Liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội của 7 tỉnh, thành ĐBSCL” diễn ra vào ngày 19-10 là tìm giải pháp thực hiện liên kết vùng ĐBSCL hiệu quả để giải quyết các khó khăn trước mắt và tạo nền tảng phát triển bền vững về lâu dài.

* Yêu cầu cấp bách

Quang cảnh hội nghị.

Ngày 11-10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiểu quả dịch COVID-19”, trong đó chú trọng hướng dẫn các biện pháp chống dịch, quy định đi lại giữa các địa phương và các cấp độ phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương trong cả nước và các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa có kế hoạch triển khai chi tiết Nghị quyết này do vướng phải những quy định về số ca nhiễm và đặc biệt là tỷ lệ bao phủ vaccine.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, nhận định: Điểm chung của các tỉnh hiện nay là mở cửa nhưng mới chỉ cho phép đi lại trong nội tỉnh còn bên ngoài vào phải tuân thủ theo quy định riêng của từng tỉnh. Những rào cản này làm cho doanh nghiệp trong vùng, nhất là các khu công nghiệp, nhà máy đặt giáp ranh giữa các tỉnh hoặc nhà máy đặt ở tỉnh này, vùng nguyên liệu ở tỉnh khác không thể hoạt động trở lại bình thường. Ngoài tỉnh Long An, Sóc Trăng mạnh dạn để doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực (trừ quán bar, karaoke, massage), còn lại hầu hết các tỉnh đều phải có điều kiện và được xét duyệt. Chính vì vậy, sau 2 tuần mở cửa, hiện số lượng doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất mới đạt tỷ lệ từ 30-50% số doanh nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, bình quân 250-300 doanh nghiệp, với công suất 20-40% tùy từng địa phương.

Lý giải tình trạng trên, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho rằng, sự khác nhau trong quy định của các địa phương là do cấp độ dịch ở từng nơi khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có mẫu số chung để làm cơ sở cho sự liên kết, đó là quy định của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Liên kết vùng giúp sự kết nối giữa các địa phương thông suốt hơn; tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, từ đó giúp giải quyết vấn đề một cách thống nhất, đồng bộ và hài hòa hơn. Bên cạnh đó, liên kết, phối hợp giữa các tỉnh, thành góp phần đáng kể trong việc “lôi kéo” các chủ thể khác trong nền kinh tế tham gia hợp tác, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp…

* Liên kết, hợp tác 6 lĩnh vực

Tại hội nghị, TP Cần Thơ đề xuất 6 lĩnh vực liên kết phối hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội và được 6 tỉnh Nam Sông Hậu (Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu) thống nhất cao. Thứ nhất, đối với lĩnh vực y tế, các tỉnh cần có cơ chế phối hợp chia sẻ nền tảng bản đồ phòng, chống dịch COVID-19 và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương. Thứ hai, lĩnh vực giao thông thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thứ ba, đối với lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử kịp thời cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ nông sản đầu ra… Thứ tư, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; triển khai chương trình kích cầu du lịch, liên kết phát triển du lịch giữa 7 địa phương. Thứ năm, lĩnh vực thông tin truyền thông thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả về phòng chống, dịch và phát triển kinh tế để cùng lan tỏa đến người dân. Thứ sáu, vấn đề lao động việc làm, các tỉnh cần cung cấp thông tin nhu cầu việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm để có hướng kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động…

Nhiều ý kiến cho rằng thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp bách là các tỉnh Nam Sông Hậu phải nghiên cứu và thống nhất về đánh giá mức độ dịch, các biện pháp dịch tễ cần triển khai nhằm tiến tới kiểm soát dịch cũng như định hướng, đề ra giải pháp cùng nhau mở cửa và phục hồi kinh tế. Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, hoạt động vận tải phụ thuộc vào từng cấp độ dịch của địa phương đi và đến để quy định về tần suất, cường độ giãn cách trên phương tiện hoặc dừng hoạt động. Đối với các tỉnh còn duy trì chốt kiểm soát, đề nghị chỉ kiểm soát về phòng, chống dịch, khi người dân đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch thì được di chuyển ra vào địa bàn địa phương bạn. Hiện nay các tỉnh, thành phố trong vùng có lượng người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ rất lớn, đây là nguồn lao động dồi dào, cơ bản đã qua đào tạo và có kinh nghiệm. Do đó, cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương trong thu hút lao động, tạo việc làm cho nhân dân trong vùng.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề xuất: “Chúng ta cần tập trung xây dựng các cụm liên kết ngành của tiềm năng như lúa gạo, thủy sản rau quả tươi, logistics... Khi cụm liên kết ngành phát triển mạnh kéo theo sự lớn mạnh của công nghiệp hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Ngoài ra, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác lập quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo kết nối đồng bộ trong tỉnh và cân đối hài hòa trong tổng thể của vùng từ đó tạo ra động lực phát triển cân bằng giữa các tỉnh và cả vùng”.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Để việc hợp tác thực chất, các tỉnh, thành cần thành lập tổ giúp việc gồm văn phòng UBND các tỉnh và các sở có liên quan để tham mưu cho Thường trực UBND các tỉnh, thành. Về lâu dài, trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 7 địa phương tổ chức đánh giá kết quả phối hợp, điều chỉnh kịp thời; kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong việc thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục để có hướng liên kết với các địa phương còn lại của vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.


Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết