13/07/2017 - 17:32

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL

Liên kết để tránh trùng lắp, lãng phí

 

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang tìm nguồn tài liệu tại Trung tâm học liệu của trường.

Bài toán qui hoạch và liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở ĐBSCL là vấn đề được đặt ra tại hội nghị giáo dục đại học năm 2013, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào ngày 22-1 vừa qua.

* Băn khoăn điểm mới trong đào tạo liên thông

Năm 2013, Bộ GD&ĐT bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông. Đây là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng (kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi) có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy. Còn những thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ 3 năm trở lên sẽ dự thi 3 môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy. PGS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nói: “Những thí sinh tốt nghiệp trung cấp, nghề có thể làm việc một thời gian. 3 năm sau, nếu có nguyện vọng học cao hơn, thí sinh có thể học liên thông để có thêm kiến thức, phục vụ cho công việc”.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế triển khai lại là chuyện khác. Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, băn khoăn: “Thời gian qua, trường đã tổ chức đào tạo liên thông khá tốt. Tuy nhiên, với quy định mới năm nay, tuyển sinh hệ này sẽ khó khăn hơn. Sau 3 năm, thí sinh mới được phép thi liên thông, liệu kiến thức có đủ để dự kỳ thi tuyển. Với những thí sinh tốt nghiệp chưa đủ 3 năm phải thi cùng với thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính qui, khả năng của các em có đủ sức để ứng thí?”. Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo- Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, cho rằng, với quy định mới trong liên thông, việc tuyển sinh  ở trường không ảnh hưởng nhiều nhưng dự đoán nguồn tuyển sẽ khó khăn, bởi thí sinh ngại khi đi học sẽ bỏ việc, vì sau 3 năm, công việc của các em đã ổn định.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ tạo điều kiện cho thí sinh học ở bậc học cao hơn nhưng không có nghĩa là các trường tuyển sinh quá dễ dãi, không đảm bảo chất lượng. Qua khảo sát thực tế ở 42 trường ĐH trong năm 2011, có 34 trường tuyển sinh đào tạo liên thông. Nhiều trường vận dụng quy định này chưa đúng, vi phạm quy chế đào tạo liên thông hệ chính qui rất lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

* Kiên quyết đào tạo theo học chế tín chỉ

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học phải chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ. PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Đào tạo  theo học chế tín chỉ trong đào tạo hệ chính qui có ưu điểm riêng, tạo nền cho các hệ đào tạo khác (vừa làm vừa học, liên thông...). Minh chứng là nhiều năm qua, Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện khá hiệu quả”. Dù đào tạo theo học chế tín chỉ có tính ưu việt riêng nhưng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc chuyển đổi từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ ở một số trường còn mang tính hình thức, không thay đổi về nội dung chương trình đào tạo. Hệ thống quản lý đào tạo theo tín chỉ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, trợ giảng thiếu thốn… đã cản trở quá trình chuyển đổi sang đào tạo học chế tín chỉ. Theo Tiến sĩ Phan Văn Thơm, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, lộ trình của Bộ GD&ĐT đến năm 2010, tất cả cơ sở giáo dục ĐH sẽ chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Thế nhưng, hiện chỉ có 20% số trường trên cả nước thực hiện. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần  tác động tích cực hơn nữa.

GS.TS Phạm Vũ Luận cho rằng, đào tạo theo tín chỉ là phương thức tổ chức đào tạo mới, nhiều ưu điểm. Bộ GD&ĐT không chỉ đạo triển khai đào tạo theo tín chỉ một cách đồng loạt, máy móc mà khuyến khích các trường khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai một cách thực chất, triển khai từng bước một vững chắc… “Chúng ta không dừng tín chỉ nhưng nhất định không đẻ non, không gian dối”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

* Đẩy mạnh hợp tác để phát triển

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, nói: “GD-ĐT ở ĐBSCL được xem là vùng “trũng” của cả nước, trong khi đó nguồn tuyển sinh ở các trường khó khăn. Để khắc phục hạn chế này, Bộ nên cho phép các trường liên kết với nhau đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ địa phương”. Tiến sĩ Đệ đưa ra thực tế về đào tạo ngành sư phạm, những năm qua, ở ĐBSCL, có nhiều đề tài, dự báo nhưng không có con số cụ thể nào chỉ rõ đến năm 2015, 2020… ĐBSCL cần bao nhiêu giáo viên Toán, Văn, Anh văn… nên các trường cứ đào tạo dẫn đến thừa- thiếu giáo viên như hiện nay. Tình trạng này cũng sẽ tiếp tục xảy ra đối với các ngành ngoài sư phạm trong thời gian tới, bởi hàng loạt trường ĐH ở ĐBSCL đang tuyển sinh những ngành nghề giống nhau. Vì vậy, cần hình thành hiệp hội các trường ĐH ở ĐBSCL để cùng ngồi lại với nhau, xác định chính xác nhu cầu của xã hội, xây dựng một kế hoạch đào tạo hợp lý trong từng giai đoạn.

Tiến sĩ Đào Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu và Thạc sĩ Nguyễn Bình Đẳng, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau cũng đồng ý quan điểm này. Ông Nguyễn Bình Đẳng nói: “Sẽ khó mở mã ngành mới phục vụ địa phương nếu như trường thiếu nguồn lực. Như khối ngành thủy sản, kỹ thuật- rất cần thiết cho vùng bán đảo Cà Mau- nhưng muốn mở phải có con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phải đưa sinh viên đi thực tập. Cơ chế liên kết sẽ tạo nên sức mạnh cho các trường. Liên kết đào tạo sẽ giúp các trường chia sẻ nguồn lực lẫn nhau trong việc đào tạo bậc học cao hơn”. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, vừa qua, Bộ yêu cầu trường tạm ngưng 10 ngành đào tạo sau ĐH (thực tế chỉ có 6 ngành), do chưa đủ điều kiện về nguồn lực. Thế nhưng, thay vì đóng cửa ngành thì Bộ có thể tìm giải pháp để các trường “vay mượn” tạm thời giảng viên ở các trường ĐH khác để đào tạo nhân lực cho địa phương, nhất là vùng còn khó khăn.

Cơ chế đặc thù về liên kết đào tạo giữa các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo luôn là bài toán mà đại biểu trăn trở, chờ lời giải từ cơ quan chủ quản.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bộ GD&ĐT