27/11/2012 - 20:41

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam:

Liên kết để tạo ra sản lượng lớn

 

Khi đề cập đến thực trạng phát triển cây ăn trái, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước. Những yếu tố này đã tạo điều kiện để phát triển cây ăn trái nhiệt đới, với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế cao như: thanh long, chôm chôm, xoài, bưởi, khóm... Tuy nhiên, đầu ra của các loại trái cây ở ÐBSCL trong thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu tính ổn định và ẩn chứa nhiều rủi ro. Tiến sĩ Hòa cho biết:

Ngành chức năng cần phải quy hoạch, có chiến lược phát triển bền vững, các địa phương xác định thế mạnh về một số loại cây ăn trái đặc thù để phát triển. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành quy hoạch tổng thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng có quy hoạch cụ thể cho từng vùng. Sau đó mỗi tỉnh, thành chọn cho mình kế hoạch thực hiện cụ thể, phải chọn cây gì, diện tích bao nhiêu và nguồn nhân lực như thế nào. Quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, theo một quy trình nhất định.

* Hiện nay, các mô hình GAP đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng cũng như tìm đầu ra. Đây có phải là nguyên nhân của sự liên kết lỏng lẻo không, thưa tiến sĩ?

-Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn rất tốt nhưng quy mô nhỏ và đầu ra không có; doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trái cây của chúng ta lại lệ thuộc quá nhiều vào nhà xuất khẩu trung gian nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp còn o ép nông dân; rồi tranh mua với nhau trên sân nhà lẫn sân khách. Nếu liên kết các doanh nghiệp lại với nhau thành một đầu mối sẽ tốt hơn, tạo nên một sức mạnh để chống lại sự độc quyền nhập khẩu từ phía đối tác. Lâu nay, chúng ta thành lập các HTX nhưng hiệu quả và tính bền vững thì không có; bởi HTX của chúng ta nhỏ, diện tích vài chục héc-ta. Khi đối tác đặt hàng vài chục tấn/ngày, HTX không có hàng để cung ứng. Các HTX liên kết với nhau, luân phiên cung cấp và chịu sự quản lý của một đầu mối thì sẽ giải quyết tốt vấn đề trên. Nông dân quy về một mối để bán, sau đó phân bổ lợi nhuận lại cho các đơn vị thành viên. Các đối tác muốn gì thì phải liên hệ với đầu mối đó, không phải liên hệ lòng vòng; các đại lý, doanh nghiệp nhỏ mạnh ai nấy làm, cạnh tranh triệt hạ nhau, cuối cùng là dân chịu thiệt.

* Liên kết để phát triển lợi thế cây ăn trái của vùng đã nói rất nhiều nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, theo tiến sĩ nguyên nhân nằm ở đâu?

Thanh Long - một trong 7 chủng loại trái cây được tỉnh Tiền Giang khuyến khích liên kết đầu tư vùng chuyên canh. Ảnh: NGUYỄN SỰ

-Nói chung, các mô hình VietGAP hay Global GAP hiện nay còn quá nhỏ, sản lượng không nhiều. Khi ra thị trường, người dân không phân biệt được sản phẩm nào sạch, sản phẩm nào không, nên ít bán được giá cao. Chính việc bán giá không cao đã không kích thích được người nông dân tham gia vào các mô hình này.

Ngoài ra, việc quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh chưa được thực hiện. Chính sách hỗ trợ vùng chuyên canh chưa hoàn chỉnh; công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan, không kiểm soát được; tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất và doanh nghiệp về cây ăn trái còn ít về số lượng và mang tính hình thức, chưa có mô hình làm ăn thật sự hiệu quả để làm mô hình mẫu; diện tích đạt chứng nhận GAP còn khiêm tốn đã làm hạn chế việc xuất khẩu trái cây; sự liên kết giữa người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất và nhà phân phối rất lỏng lẻo, giữa các viện, trường chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cây ăn quả rất ít và thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu; cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây hầu như không có dẫn đến thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn; công nghệ chế biến còn lạc hậu so với các nước trong khu vực; kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu kém đã làm trở ngại cho việc mở rộng mô hình GAP, vận chuyển, phân phối sản phẩm; hệ thống dịch vụ nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, bất cập; trình độ kỹ thuật về CAQ của người sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, tính cá thể còn cao…

* Tình trạng mạnh ai nấy làm và cục bộ địa phương trong phát cây ăn trái đã tồn tại rất lâu và ăn sâu vào quy trình canh tác. Theo tiến sĩ, làm gì để phá bỏ tư tưởng này để tiến đến liên kết bền vững hơn?

-Hiện nay có tình trạng địa phương nào cũng nói trái cây của tỉnh mình là ngon nhất. Một số tỉnh đi tiếp thị cùng sản phẩm chạm mặt nhau bên phía đối tác thì người này lại nói xấu người kia. Chúng ta chưa thống nhất tỉnh nào làm trước, tỉnh nào làm sau và bắt đầu từ đâu. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT cần giao cho Cục Trồng trọt cử hẳn 1 bộ phận nào đấy làm đầu mối, hay Ban Chỉ Đạo Tây Nam bộ chỉ đạo thực hiện. Nếu không, cứ mạnh ai nấy làm thì biết bao giờ chúng ta mới giải quyết tình trạng bấp bênh, bất ổn trong phát triển cây ăn trái hiện nay.

Phải liên kết lại với nhau để có diện tích lớn, liên kết với các doanh nghiệp trong mua bán, quảng bá sản phẩm. Chúng ta phải làm sao để các doanh nghiệp có thể chia sẻ quyền lợi với nông dân. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều mô hình sản xuất an toàn, GAP thành công. Mặc dù còn nhỏ nhưng nó là những nền móng rất tốt để phát triển rộng sau này. Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể vùng, trong đó xác định vùng đó trồng cây gì, diện tích bao nhiêu. Sau đó, các tỉnh dựa vào quy hoạch đó để xác định chi tiết cho những loại cây ăn trái lợi thế cho tỉnh mình; lập kế hoạch hợp tác với các tỉnh có cùng sản phẩm. Theo đó, mỗi tỉnh cử ra một nhóm người có năng lực, có tâm huyết chuyên phụ trách vấn đề này mới hiệu quả được.

Khi có quy hoạch rồi thì hình thành mạng lưới chân rết, đào tạo, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật. Bên cạnh đó, chúng ta tiến hành thông tin, quảng bá qua trang web, qua phương tiện thông tin đại chúng, định hướng sản phẩm nào bán đi nước nào, bán ở đâu; hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn trong và ngoài nước. Từ đó, chúng ta mới xác định tiêu chuẩn nào cần phải áp dụng cho thị trường nào. Có như vậy mới đầu tư tập trung có trọng điểm, tránh được dàn trải, không hiệu quả. Tổ chức các điểm kiểm tra chất lượng trái cây như tại chợ đầu mối, nơi giám định chất lượng các loại trái cây an toàn này để người tiêu dùng biết sản phẩm tốt và không tốt. Có như vậy, sản xuất an toàn mới đi vào nề nếp, từ canh tác đến sản xuất mới khoa học.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

Khải Ca (thực hiện)

Chia sẻ bài viết