03/03/2020 - 07:04

Liên kết để “bước lên bước nữa” 

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (2004-2019), khu vực kinh tế tập thể mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Tại ĐBSCL, số lượng HTX nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản chuyển hướng sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để hoạt động kinh tế tập thể phát triển bền vững. Những câu chuyện về sự hình thành, phát triển; hành trình tiếp cận thị trường; xây dựng thương hiệu… được chính các xã viên, lãnh đạo HTX mạnh dạn chia sẻ tại Diễn đàn Thủy sản với chủ đề “Bước lên bước nữa-Chuyện người trong cuộc” vừa diễn ra mới đây.

Sản phẩm Tôm một gió được quảng bá, giới thiệu tại diễn đàn.

Chuyện người trong cuộc

Ông Đinh Xuân Lập, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cho biết: Thời gian qua, ICAFIS có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các HTX thủy sản tại ĐBSCL. Đơn cử, trong khuôn khổ thực hiện 3 dự án: Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm GRAISEA 1+2; Phát triển chuỗi giá trị tôm bền vững công bằng tại Việt Nam - SusV; Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam - SCBV, ICAFIS đã làm đầu mối phối hợp với ngành Nông nghiệp 6 tỉnh vùng ĐBSCL: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, liên kết chuỗi, kết nối thị trường cho gần 70 HTX/Tổ hợp tác. Nhờ đó, góp phần tăng thu nhập, ổn định sinh kế, tăng giá trị sản phẩm, góp phần tăng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Để đạt được những thành công nói trên còn là hành trình nỗ lực, mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm, bước lên bước nữa” của tập thể và Ban Lãnh đạo HTX.

Chia sẻ tại Diễn đàn, chị Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau), cho biết, chị có thời gian dài làm việc cho Tập đoàn Samsung với mức lương khá cao. Nhưng vì tâm huyết với nghề nuôi trồng thủy sản, chị quyết định về quê tập hợp bà con vào HTX để cùng làm ăn. “Buổi đầu thành lập, cái khó nhất là tìm tiếng nói chung vì mỗi người mỗi ý. Vì vậy, tôi xác định mình phải lăn xả mới tìm hiểu được tâm tư, suy nghĩ của bà con. Đặc biệt, khi quyết định làm điều gì, phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng mới có thể thuyết phục được bà con cùng tham gia. Với tinh thần đó, HTX Tài Thịnh Phát đã có những thành công bước đầu. Sản phẩm làm ra (tôm ngủ đông, tôm sinh thái, cá chẽm, cua…) hiện đã vào đã vào được Hệ thống phân phối của Co.opmart, AEON… 

Còn HTX Thành Công (tỉnh Trà Vinh) do ông Quảng Quốc Bình làm Giám đốc ghi dấu ấn trong việc tập hợp bà con cùng vào làm ăn chung và phát huy nội lực từ chính mình. “Ban đầu do không hiểu về con nghêu nên không tin và lo ngại “đem đổ biển” biết có hiệu quả không. Tuy nhiên, nhờ liên kết sản xuất trên nền tảng HTX, các vụ nghêu thắng lớn liên tục nên bà con mới bắt đầu mạnh dạn đầu tư. Thời điểm mới thành lập (năm 2005), HTX chỉ có 91 hộ tham gia, nay tăng lên 278 thành viên, với tổng số vốn góp gần  4,3 tỉ đồng” - ông Bình bày tỏ.

Không chỉ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, một số thành viên HTX còn nảy ra nhiều ý tưởng làm ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Trần Quang Cần, Giám đốc HTX Hưng Phú (tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: “Một lần tình cờ mẹ tôi làm tôm khô tại nhà nhưng gặp ngày mưa không phơi bằng nắng được. Thế là mẹ tôi nghĩ ra cách phơi tôm khô trong nhà bằng cách sử dụng quạt. Kết quả hết sức bất ngờ, tôm khô làm theo cách này rất ngon vì có độ dẻo dai vừa phải, không bị khô cứng như cách làm thông thường. Qua lần đó, tôi nảy ra ý tưởng làm “Tôm một gió”!”.  

Thắt chặt liên kết

Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại lợi nhuận cao và giảm thiểu rủi ro từ những tác động bất lợi của thị trường, các HTX phải chung tay liên kết theo chuỗi giá trị. Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê (tỉnh Sóc Trăng), nhấn mạnh: Để nâng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, khâu liên kết giữa các thành viên HTX và HTX này với HTX khác phải được đặt lên hàng đầu. Bởi nếu liên kết tốt mới có thể tạo nguồn hàng lớn, chất lượng ổn định từ đó gây dựng được niềm tin và tăng lợi thế cạnh tranh khi đàm phán hợp đồng…

Bên cạnh đó, việc sản xuất sạch cũng được các HTX xác định là hướng để mở rộng kênh tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.  Ông Trần Quang Cần, Giám đốc HTX Hưng Phú (tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Nguồn nguyên liệu làm Tôm một gió là tôm thẻ chân trắng nuôi theo tiêu chuẩn ASC, có thời gian cắt thức ăn trước khi chế biến. Sau đó, tôm được loại bỏ gan ruột và hấp để giữ độ tươi, ngọt và màu sắc đẹp cho con tôm, kế đến làm khô trong máy sấy gió và chiếu tia cực tím. Như vậy, sản phẩm làm ra vừa chất lượng lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Theo ông Cần, để người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm, giá bán Tôm một gió nằm ở tầm bậc trung 1,4 triệu đồng/kg. Ngoài ra, Tôm một gió cũng được đóng gói với các trọng lượng khác nhau để người tiêu dùng dễ lựa chọn hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, các HTX còn gặp rất nhiều khó khăn: đa số các HTX có ít nguồn vốn để hoạt động, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Đặc biệt, trình độ cán bộ HTX còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay. Theo ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu, thực tế sản xuất, huy động vốn tại một HTX hiện nay chỉ một số cá nhân đảm nhiệm nhưng khi sản phẩm bán ra trên thị trường thì mang tên của cả HTX. Do đó, vấn đề phải đặt ra là phải tách bạch “cái chung” và “cái riêng” để có thể ghi nhận công lao cũng như xử lý các vấn đề không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, HTX cũng phải trẻ hóa đội ngũ thông qua thu hút, mời gọi các bạn trẻ cùng tham gia. Có như vậy các HTX mới thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiếp cận thị trường, phát triển những ý tưởng kinh doanh mới mẻ…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết