15/01/2015 - 20:43

Lên Tà Cú chiêm ngưỡng tượng phật nằm lớn nhất châu Á

Một ngày cuối năm, theo những con đường cực Nam Trung bộ, chúng tôi đến Linh Sơn Trường Thọ, còn gọi là chùa Núi trên đỉnh Tà Cú, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) 28 km về phía Nam. Đây là khu di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, một điểm đến thú vị cho những ai thích mạo hiểm, khám phá.

Sáng sớm sườn Đông núi Tà Cú đã ngập tràn trong nắng mai, nhưng sườn Tây vẫn còn lâm thâm, dịu mát. Chúng tôi với hành trang gọn nhẹ chinh phục hơn 1.000 bậc thang để đến chùa Linh Sơn Trường Thọ nơi có tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn nổi tiếng. Tượng dài 49 mét, cao 11 mét tọa lạc trên đỉnh núi ở độ cao trên 500 mét. Công trình vừa được công nhận Kỷ lục Châu Á - là tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á, dài hơn tượng Phật Nằm ở chùa Wat Pho nổi tiếng của Thái Lan đúng 3 mét.

Một góc chùa Linh Sơn Trường Thọ.

Đường lên núi Tà Cú mát mẻ với rừng cây nguyên sinh gồm nhiều danh mộc như trắc, bằng lăng, gỏ, căm xe… Ngoài ra, còn có các loại cây dầu sơn rái, sao, trâm, bình linh, mét… và dây leo hoang dại như thần thông, cổ rùa, huyết rồng đan xen tạo màu xanh ngút ngàn. Thỉnh thoảng một vài khe nước nhỏ chạy vắt ngang đường, nước trong vắt, mát lạnh soi thấy rõ mặt người với bóng cây thâm u. Đâu đó, thoang thoảng mùi hương nhè nhẹ của lan rừng, hoa trôm, ngọc lan, nhài dại… Ấn tượng nhất là màu hoa đỏ như lửa của những cây vông đồng mùa khô trơ trụi lá – loại cây gặp khá nhiều ở đại ngàn Nam Trường Sơn. Tiếng chim hót trên những vòm cây cao vút.

Sau hơn 2 giờ vừa leo núi vừa ngắm rừng, qua dốc Bằng Lăng nghiêng gần 45 độ, là đến chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm ở độ cao 563 mét. Nhiệt độ trung bình trên núi từ 18 đến 22°C. Theo các nghiên cứu địa chất, xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có lẫn vàng sa khoáng và một số ít đá quý. Nếu không leo núi, du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin thưởng thức cảm giác lướt như bay giữa không gian thoáng đãng với đường cáp dài 1.600 mét, ở độ cao trên 500 mét, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của rừng nguyên sinh bao la.

Trước khi chiêm ngưỡng tượng Phật Nằm, du khách sẽ chiêm bái tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát và nhóm tượng "Tam Thế Phật" xếp thành hàng ngang: tượng A Di Đà ở giữa cao 7 mét, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 mét. Khung cảnh nơi đây kỳ vỹ với núi non trùng điệp, thấp thoáng mái chùa cổ kính ẩn sau rừng cây. Tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn là trung tâm của núi Tà Cú, do kiến trúc sư Trương Đình Ý thực hiện từ năm 1962 đến 4 năm sau mới hoàn thành, được đúc bằng bê tông cốt thép. Tượng với nghệ thuật điêu khắc bậc thầy đã thể hiện trạng thái an nhiên, tự tại của đức Phật lúc nhập Niết bàn.

Tên chùa Linh Sơn Trường Thọ có lịch sử lâu đời. Giữa thế kỷ 19, nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức từ Phú Yên vào Bình Thuận dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) vừa tu hành vừa bốc thuốc. Năm 1872 nhà sư lên núi Tà Cú tu hành, và nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) Hoàng Thái hậu bệnh nặng, nhà sư gởi đơn thuốc về triều trị bệnh cho Hoàng Thái hậu. Bệnh thuyên giảm, vua Tự Đức ban cho tên chùa là "Linh Sơn Trường Thọ" và nhà sư là "Đại lão hòa thượng".

Trải qua nhiều đời tổ sư, những năm 60 của thế kỷ trước, chùa được đại trùng tu và khởi công Tượng Phật Nằm. Lúc đó núi Tà Cú và vùng phụ cận còn rất hoang vu. Chùa nằm cheo leo ở lưng chừng núi cao hơn 500 mét, muốn lên chùa phải đi qua quãng đường dài quanh co, khúc khuỷu trên 2 cây số, vượt bao dốc cao, vực thẳm ngổn ngang cây rừng thâm u, rậm rạp, vách đá cao ngất. Hàng ngàn tấn xi-măng, sắt thép được vận chuyển hoàn toàn bằng sức người.

Tượng hoàn thành tôn thêm không gian tôn nghiêm của Linh Sơn Trường Thọ chan hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên Tà Cú. Dưới chân tượng là bãi đá hoa cương. Chung quan tượng là rừng cổ thụ với các loài sao, sến, bằng lăng, xoài mút… rợp bóng. Ở sườn núi cạnh tượng Phật Nằm còn có hai cây cổ thụ trên 500 tuổi, cao chừng 50m, quấn quýt lấy nhau - một cây bằng lăng, một cây đa.

Từ năm 2002, núi Tà Cú được xây dựng thành khu du lịch với vốn đầu tư hơn 65 tỉ đồng, có diện tích trên 250.000 mét vuông. Hằng năm vào các dịp lễ, dịp rằm du khách đi lễ chùa Núi rất đông, nhất là vào ngày giỗ Tổ sư (5-10 âm lịch).

HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết