13/12/2018 - 20:21

Lên đỉnh non cao 

Chinh phục từng nấc thang để lên đỉnh Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), du khách thu vào tầm mắt toàn cảnh một góc miền Trung với biển rộng, sông dài, với điệp trùng rừng núi. Lên đỉnh non cao còn để tận hưởng sự thanh tâm, trong lành, nơi đất - trời giao hòa đến nỗi dường như chỉ cần giơ tay là đã khẽ chạm mây ngàn.

Ngũ Hành Sơn đón rất đông khách tham quan mỗi ngày.

Núi Ngũ Hành Sơn không xa trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Để chinh phục ngọn núi thiêng này, du khách có 2 lựa chọn: hoặc là đi bộ hoặc là đi thang máy. Dĩ nhiên, đi thang máy đến vọng giang đài thì chỉ cần trong nháy mắt nhưng sẽ là thú vị với những ai thích khám phá khi chọn cách vượt qua 108 nấc thang quanh co, khúc khuỷu và chông chênh. Sẽ thấm mệt và mướt mồ hôi nhưng bù lại du khách trải nghiệm được cảm giác leo núi, lặng nghe gió rừng vi vu, chim rừng véo von và tự thưởng cho mình những tấm ảnh đẹp.

Tên gọi Ngũ Hành Sơn xuất phát từ 5 ngọn núi hợp thành: phía Bắc là Thủy Sơn (còn gọi núi Chùa, núi Tam Thai), phía Đông là Mộc Sơn (còn gọi núi Mồng Gà), phía Tây Bắc là Thổ Sơn (hay núi Đá Chồng), phía Tây là Kim Sơn (hay núi Đùng) và phía Nam là Hỏa Sơn (tục gọi núi Ông Chài). Du khách thường tìm tham quan các chùa và hang động khi khám phá Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn có 10 ngôi chùa trứ danh: Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, Linh Ứng, Phổ Đà sơn, Linh Sơn, Ứng Nhiên, Quán Thế Âm, Thái Sơn, Long Hoa. Lạ một điều nữa là chùa ở Ngũ Hành Sơn thường gắn với các hang động: cạnh chùa Tam Thai là động Huyền Không, cạnh chùa Linh Ứng là động Tàng Chơn, cạnh chùa Quán Thế Âm là động Quán Thế Âm… Trong đó, nhiều ngôi chùa có tuổi đời vài trăm năm, cổ kính và uy nghiêm.

Có nhiều câu chuyện ly kỳ để kể về chùa và động nơi Ngũ Hành Sơn. Ví như tên gọi động Quán Thế Âm và chùa Quán Thế Âm xuất phát từ việc thạch nhũ trong động tự nhiên có hình giống Phật Quán Thế Âm. Hay tên núi Tam Thai và chùa Tam Thai, vì núi có 3 đỉnh nằm ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao Tam Thai. Du khách cũng có thể khám phá động Hoa Nghiêm, nơi có một tấm bia cổ có niên đại gần 400 năm, nội dung được phỏng đoán là ghi công đức các tín đồ cúng dường, lễ bái. Lên chút nữa là động Huyền Không, nơi đây có một địa điểm thu hút đông du khách trẻ là nơi thờ Ông Tơ - Bà Nguyệt. Các đôi trai gái, vợ chồng đến đây suốt ngày, cầu duyên lành và con cái.

Cách đây hơn 1 năm, 7 cây cổ thụ ở Ngũ Hành Sơn được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đó là: cây đa sộp (610 tuổi), 3 cây bồ kết (210 tuổi, 200 tuổi và 160 tuổi), cây thị (205 tuổi) và 2 cây bàng (350 tuổi và 240 tuổi), tất cả đã gắn liền với văn hóa, lịch sử của ngọn núi thiêng giữa lòng phố biển Đà Nẵng. Kỳ vĩ nhất là cây đa sộp 610 năm tuổi, cao 25m, đường kính gốc gần 2,5m, nằm ở sườn ngọn Thủy Sơn, sau lưng Chùa Linh Ứng, tán cây bao trùm toàn bộ mái chùa. Được nhiều người muốn được một lần “mục sở thị” là 2 “cụ” bàng trước cổng chùa Tam Thai. Từ ngoài nhìn vào, phía tay phải là bàng “đực”, phía tay trái là bàng “cái”. Lời truyền tai rằng, người nam muốn tìm ý trung nhân như mong ước thì áp tai vào cây bàng “đực”, người nữ thì tìm nơi gốc bàng “cái”, tâm thành trong sáng mà khấn nguyện thì sẽ như ý.

Phải mất gần hết một buổi để chinh phục Ngũ Hành Sơn; với người thích khám phá những điều huyền bí nơi đỉnh non cao này thì nên dành cả ngày. Dọc hành trình đăng sơn, bà con bản xứ có bán nước uống, đồ ăn với giá hợp lý, ngon nhất là trái dừa, nước ngọt thanh, đã khát. Hoàn toàn không có chuyện chèo kéo, chào mời kỳ kèo làm phiền lòng khách ở nơi này.

Bài, ảnh: Duy Lữ

Chia sẻ bài viết