07/11/2022 - 13:09

Lễ cúng trăng của người Khmer Nam Bộ 

HUỲNH HÀ

Lễ cúng trăng là một trong những lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Do lễ cúng trăng có hoạt động đút cốm dẹp mà đút cốm dẹp tiếng Khmer gọi là Ok-om-bok nên lễ cúng trăng còn gọi là Lễ Ok-om-bok.

Các ghe vào hàng để chuẩn bị đua ghe Ngo.

Các ghe vào hàng để chuẩn bị đua ghe Ngo.

Lễ cúng trăng có nguồn gốc dân gian từ rất lâu đời của người Khmer. Lễ hội này diễn ra hằng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Đây là ngày cuối cùng một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất và cũng là thời điểm hết thời vụ của năm. Theo quan niệm của người Khmer, cúng trăng là để tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu cho mọi nhà, và đồng thời giúp nông dân trúng mùa trong năm tới. Bên cạnh đó, “trong tâm thức của những thiện nam tín nữ, Ông Trăng chính là hình ảnh cung quảng của Thỏ Ngọc. Tương truyền có một tiền kiếp của đức Phật là Thỏ Trắng”(1) và người ta thường nhìn thấy thỏ ngọc trên cung trăng vào tết hạ nguyên (ngày 15 tháng 10 âm lịch). Vì vậy, lễ cúng trăng là để tưởng nhớ đến tiền kiếp của đức Phật Thích Ca.

Lễ cúng trăng có thể được tổ chức tại nhà hay tại khuôn viên chùa hoặc một khu đất trống nào đó để dễ dàng quan sát mặt trăng. Đầu tiên, “người ta đào lỗ cắm 2 cây tre làm trụ và buộc 1 cây làm đà ngang dài khoảng 3 mét, hình thức giống như một cái cổng bằng tre, có trang trí hoa lá. Đặc biệt trên cổng này, người ta còn giăng 1 dây trầu gồm 12 lá trầu được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 1 dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như 2 cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Có nơi người ta cúng rất đơn giản, không cần làm cổng và trang trí như trên, mà chỉ đem 1 cái bàn để trước sân, trên phủ một tấm vải đẹp. Người ta bày lên đó các lễ vật cúng. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, cam, bưởi, bánh kẹo... Chuẩn bị xong mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng để chờ làm lễ”(2).

Khi trăng lên đỉnh đầu, người ta cử một người lớn tuổi, đức độ, có uy tín đại diện ra cúng tạ mặt trăng. Người cúng thắp nhang, rót trà và khấn nguyện. Nội dung cúng là cám ơn thần mặt trăng trong năm qua đã làm cho thời tiết thuận lợi, nhà nhà được ấm no, và cầu mong sang năm mới, thần tiếp tục phù hộ cho phum, sóc, xóm làng được no ấm, yên vui. Trong quá trình cúng, trẻ em trong xóm tụ lại rất đông để đợi ăn bánh. Khi cúng xong, người ta bảo trẻ em sắp hàng lại thành một hàng dọc, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Sau đó, người ta lấy thức cúng mỗi thứ một ít đút vào miệng trẻ em, sau đó người chủ lễ đấm vào lưng em đó nhè nhẹ ba cái, và hỏi lớn lên ước mơ sẽ làm gì. Cứ thế lần lượt hết em này đến em khác. Việc làm này là để đoán định tương lai của đứa bé, và cũng là để tượng trưng cho việc mọi người đã nhận được lộc của thần mặt trăng. Đồng thời đó cũng là việc đánh dấu thành quả sau một năm lao động mệt nhọc của mỗi gia đình.

Hai sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn và có sức thu hút mọi người  nhiều nhất trong ngày lễ cúng trăng là thả đèn và đua ghe ngo.

Thả đèn gồm có thả đèn nước và thả đèn gió. “Từ xa xưa, tục thả đèn nước hoàn toàn mang tính chất tôn giáo, vì theo truyền thuyết, đèn nước tượng trưng cho hàm dưới của đức Phật ở lại hạ giới để độ trì chúng sinh. Thuyết khác lại cho đèn nước chính là chiếc răng Phật được vua loài rắn Naga giữ... Do đó, ngày nay, đồng bào tổ chức lễ này để tưởng nhớ đến đức Phật và cũng để dân làng xin lỗi nước và đất vì đã làm ô uế chúng trong năm; ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người được ngắm cái đẹp, cái rực rỡ của chiếc đèn trôi trên dòng nước trong đêm lễ hội này. Đèn nước có cấu tạo như một ngồi đèn, làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa lá. Đầu đèn, người ta treo cờ phướn (cờ Phật giáo). Chung quanh, người ta cắm đèn cầy và nhang, bên trong bày các thức cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo muối. Mở đầu buổi lễ thả đèn, sư sãi và đồng bào thắp nến và nhang chung quanh đèn rồi tụng kinh để tưởng nhớ đến Đức Phật và xin lỗi Đất và Nước, sau đó, người ta rước đèn ra nơi thả có đoàn múa trống Xà-yam của chùa đi theo”(3).

Còn đèn gió được cấu tạo từ những vật liệu tre, giấy quyến và dây kẽm, có hình trụ, đường kính chừng 1 mét, chiều cao chừng 2 mét. “Làm đèn gió, thả đèn gió phải có kỹ thuật, có nghệ thuật, từ lối cân dây buộc hèo, lối làm khung xương, lối phết giấy tới lo đĩa dầu đốt trong lòng đèn. Đèn được thả lên bay cao cháy cạn kiệt dầu và định được cả chỗ đèn rớt xuống ở đâu đó trong đồng ruộng xa phum sóc. Những ngọn đèn dâng Phật làm hết sức cẩn thận an toàn. Người ta quan niệm nếu đèn cháy, đèn sa xuống trong phum sóc nhà ai đó là xui xẻo... Ngọn đèn gió được thả bay lên trời đúng như tên gọi của nó. Đèn bay cao vút... xa dần dường như ánh đèn hòa nhập vào ánh Trăng Thỏ Ngọc”(4).

Đua ghe Ngo là môn thể thao dân gian truyền thống trong những ngày diễn ra lễ cúng trăng, thu hút hàng vạn người đến xem. Lúc đầu, đây chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thần tiên nơi cung trăng thưởng thức, vì vậy nó chỉ được tổ chức vào ban đêm lúc trăng lên, sau khi các nghi lễ cúng trăng đã thực hiện xong. Dần dần trò chơi này được nâng lên thành lễ hội, mang tầm cỡ khu vực, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân đến tham dự.

Chiếc ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ, và cũng là biểu tượng của sự no ấm, sung túc. Bên cạnh đó, chiếc ghe Ngo còn là hình ảnh đại diện cho mỗi phum sóc, cho xã, huyện mình, nên cuộc đua ghe thường diễn ra rất quyết liệt không phải vì giá trị giải thưởng mà vì danh dự và vinh quang của phum sóc mình.

Lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ thể hiện được tình cảm của con người đối với con người và con người đối với thiên nhiên. Vì vậy, việc tổ chức lễ cúng trăng hằng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer Nam Bộ mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.

-----------------------------------

(1) Phạm Thị Phương Hạnh (2013) (Chủ biên), “Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.126-127.

(2) Trần Văn Bổn (1999), “Một số lễ tục dân gian người Khmer đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.73.

(3)Trường Lưu (1993), “Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.86-87.

(4) Phạm Thị Phương Hạnh, Sđd, tr.130-131

 

Chia sẻ bài viết