09/12/2022 - 17:57

Lấy người dân làm trung tâm, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ở ĐBSCL 

(CT) - Ngày 9-12, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi số (CĐS) - Từ lý luận đến thực tiễn ở ĐBSCL". Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả CĐS ở ĐBSCL, tạo điều kiện giao lưu học hỏi giữa các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cao đẳng, các học viện, các trường chính trị và các ban ngành liên quan trong cả nước.

Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo.

CĐS hiện là mục tiêu quan trọng hàng đầu của các quốc gia nhằm tận dụng một cách có hiệu quả những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa nền kinh tế vươn lên đuổi kịp trình độ công nghệ thế giới. Bên cạnh đó, CĐS cho phép doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng, quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh… CĐS đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Trong 3 trụ cột CĐS gồm chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, CĐS trong lĩnh vực kinh tế giữ vai trò quan trọng.

Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn của CĐS ở Việt Nam, khẳng định người dân là trung tâm của quá trình CĐS. Trong đó, người dân là trung tâm ứng dụng, tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động. Người dân là trung tâm hình thành văn hóa số, trung tâm chủ quyền số quốc gia và thụ hưởng những thành quả CĐS. Bên cạnh đó, chỉ ra thực trạng và xu thế tất yếu của việc ứng dụng CĐS trong các doanh nghiệp và các bước doanh nghiệp cần làm để CĐS hiệu quả. Các diễn giả cũng khẳng định sự quyết tâm của các địa phương trong vùng ĐBSCL khi cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về CĐS thành các chương trình, hành động cụ thể; CĐS ở những lĩnh vực gắn với ưu thế của vùng như nông nghiệp, du lịch sông nước, vận tải đường sông… Đồng thời, cho rằng cần có các giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân trong bối cảnh CĐS ở ĐBSCL hiện nay.

Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết