24/04/2020 - 10:01

Lập lại trật tự khai thác tài nguyên khoáng sản 

Hoạt động khai thác cát, sỏi bất hợp pháp ngoài việc thất thoát nguồn tài nguyên còn gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý, qua đó lập lại trật tự trong khai thác tài nguyên khoáng sản...

Hoạt động khai thác cát trên sông Hậu. 

Tăng cường quản lý

Để tăng cường nâng cao công tác quản lý khai thác khoáng sản nói chung và quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông nói riêng, từ năm 2015 đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định liên quan. Mặt khác, Bộ đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề để xử lý các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Tính riêng năm 2019, bên cạnh các cuộc thanh tra theo kế hoạch, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra đột xuất và theo phản ánh của cơ quan báo chí và người dân với 48 cuộc tại 22 tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường- Bộ Công an kiểm tra tình hình khai thác cát tại một số địa phương.

Về phía các địa phương cũng đã tiến hành xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Nhờ đó, theo đánh giá của Bộ TN&MT, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã giảm liên tục từ năm 2012 đến nay cả về số địa phương và số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép.

Tại TP Cần Thơ, công tác quản lý khai thác cát dần đi vào nền nếp. Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, thành phố đã hoàn thành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, khoáng sản TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các quận, huyện triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời bảo vệ môi trường, khai thác tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên cát, chống sạt lở, ổn định bờ sông, đảm bảo nguồn cát dự trữ, phát triển bền vững. Ngoài ra, Sở TN&MT thành phố thường xuyên phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác cát trên sông Hậu…

Hoàn thiện chính sách

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông luôn là vấn đề phức tạp. Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu san lấp, xây dựng công trình hạ tầng ngày càng lớn, cung không đủ cầu. Công nghệ khai thác cát, sỏi lòng sông đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi gọn nhẹ và linh hoạt nên hoạt động khai thác trái phép diễn ra bất kể ngày đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Mặt khác, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương, nhất là khu vực giáp ranh, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời đối với hành vi khai thác trái phép. Đặc biệt chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép vẫn chưa bảo đảm sức răn đe. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phát triển nhiều loại hình nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic…

Góp phần khắc phục hạn chế trên, trong quý I vừa qua, Bộ TN&MT trình Chính phủ đã ban hành bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan. Cụ thể, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, có hiệu lực từ ngày 10-4-2020. Nội dung Nghị định thể chế hóa 5 chính sách quan trọng, đó là: quản lý cát, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; quản lý, cấp phép, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông phải gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính; quản lý cát, sỏi lòng sông chặt chẽ từ lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác đến hoạt động mua bán, vận chuyển, tập kết; cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi chủ yếu thông qua hình thức đấu giá. Đặc biệt, khuyến khích sử dụng nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic.

Tháng 3-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, nội dung Nghị định đã bổ sung các hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2-3 lần nhằm tăng sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, các Nghị định đi vào cuộc sống sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ đề xuất các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tiếp tục hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường...

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết