14/02/2012 - 08:47

Lão nông sáng tạo

Ông Mẫn bên vườn mít không hạt.

Những năm qua ông Trần Minh Mẫn, ở khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp TP, ông còn được biết đến như một nông dân năng động luôn tìm tòi những cái mới để cho ra đời sản phẩm lạ trên thị trường, đó là giống mít không hạt, tăng thu nhập cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Vừa qua ông Mẫn vinh dự nhận được giải thưởng của Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ lần thứ VI với giải pháp sử dụng phương pháp ghép mắt từ giống mít lạ để tạo ra giống Mít Ba Láng không hạt, đang được trồng và cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương... Ngoài ra với vai trò Chi hội phó Chi hội nông dân khu vực, ông luôn nhiệt tâm giúp đỡ các hội viên vươn lên làm giàu.

Khi đi thăm cơ ngơi ông Mẫn, chúng tôi đều thích thú trước những cây mít trái căng tròn, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Nhiều năm trong nghề, ông Mẫn cho biết: “Cây mít dễ trồng không tốn thời gian mà hiệu quả kinh tế cao, lại ít xử lý nông dược, giảm chi phí cho người trồng. Từ ngày tôi trồng, chưa gặp khó khăn gì, kinh nghiệm cho thấy mỗi cây nên để ít trái để đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn”. Nghe chúng tôi đặt câu hỏi về duyên nghiệp đến với cây mít, ông nói say sưa hàng giờ liền.

Sinh ra trong gia đình nông dân, mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào mấy công vườn tạp nên cũng chẳng dư dả gì. Năm 1980, ông Mẫn quyết định đốn bỏ vườn tạp trồng 10 công cam mật. Thế nhưng được khoảng 3 năm, vườn cam của ông bị thất bát nặng vì bệnh vàng lá gân xanh, gia đình ông lại lâm cảnh khốn khó. Lúc ấy nhiều nông dân phải ly hương tìm cơ hội làm ăn, nhưng ông Mẫn vẫn bám đất giữ vườn. Một lần nữa ông lại thử sức trên mảnh đất quê hương bằng cách đốn bỏ cam trồng sầu riêng. Điệp khúc được mùa rớt giá không còn quá nặng nề đối với người nông dân năng động này, bởi ông biết tìm cách xử lý giống cây cho ra trái nghịch mùa. Nghĩ là làm, ông áp dụng những kiến thức đã học để xử lý 180 gốc sầu riêng cho ra trái nghịch mùa, vụ đầu tiên cho thu nhập cao. Là người ham học hỏi, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn ở địa phương, ở đâu có mô hình hay ông đều đi tham quan. Với ý nghĩ bất cứ mô hình nào thành công ắt cũng từng trải qua những thất bại, nên ông luôn tìm đến để chia sẻ kinh nghiệm. Ông Mẫn vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, cứ như thế kết quả thành công nhân lên. Điển hình năm 2003, ông thu hoạch trên chục tấn sầu riêng, lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Mẫn tâm sự: “Là nông dân, ngoài việc cần mẫn với ruộng vườn, phải luôn có cái đầu năng động để phát hiện những điều mới lạ trong trồng trọt thì việc làm giàu không khó...”.

Giữa năm 2007, sẵn dịp ông Mẫn tham gia hội thảo ở Viện cây ăn quả Miền Nam (tỉnh Tiền Giang) ghé thăm nhà người bạn thì được giới thiệu trong vườn có cây mít lấy giống từ nước ngoài và người bạn này tặng ông một trái mít. Ông Mẫn đem mít về ăn thử thấy ngon, liền xin chiết nhánh về trồng xen vào vườn sầu riêng. Hơn 2 năm chăm sóc, 70 cây mít của ông cho ra trái khoảng 2 tấn (mỗi kg bán ra thị trường giá 15.000 đồng). Cuối tháng 5-2010, ông Mẫn đem sản phẩm có một không hai của mình lên TP Hồ Chí Minh dự hội thi: “Trái ngon-An toàn Nam Bộ lần II- 2010 tại TP Hồ Chí Minh, đạt giải lạ, hiếm: Mít không hạt (mít của ông Mẫn trồng không hạt, màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, khi ăn vào vị ngọt thanh, có thể ăn cả xơ)... Sau hội thi, nhiều công ty đến tận nhà ông bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ cây mít đem lại khiến ông quyết định đốn bỏ vườn sầu riêng, tập trung trồng mít không hạt. Năm 2011, sau khi thu hoạch 5 tấn mít, ông cầm chắc trong tay tiền lãi trên 100 triệu đồng. Vốn là một lão nông tâm huyết với nghề, ông đi học kỹ thuật ghép mắt về bán cây giống cho bà con. Một lần nữa, ông thử sức ở lĩnh vực mới: Bán cây giống. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông chia sẻ: “Lúc quấn mắt ghép phải khéo léo và nhanh tay mới quyết định sự thành công. Điều quan trọng phải lựa nhánh khỏe và cân đối với gốc... Qua Tết, tôi chuẩn bị xuất hơn 10.000 cây giống ra thị trường”. Hơn 5 năm “bén duyên” với nghề, hiện ông có trên 70 gốc mít. Mỗi năm tiền lãi bán cây giống và thu hoạch mít của ông Mẫn là trên 200 triệu đồng.

Với ông Mẫn, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình là điều ông vui nhất. Ông Mẫn kể, năm 1972 học xong lớp 12, gia cảnh khó khăn và những năm đó chiến tranh khốc liệt nên ông không vào được Đại học mà lo phụ giúp gia đình chăm sóc vườn tược. Sau giải phóng, sắp xếp việc gia đình, ông Mẫn tham gia công tác ở địa phương và là người tiên phong trong việc tham gia vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, vươn lên làm giàu. Với vai trò là chi hội phó chi hội nông dân khu vực 2, ông Mẫn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của bản thân và bán cây giống, phân bón trả chậm cho hội viên trong khu vực để giúp bà con cùng phấn đấu vượt khó, ổn định kinh tế gia đình. Ông Mẫn luôn tìm hiểu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên để kịp thời hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần. Nhằm thu hút nhiều hội viên tham gia hoạt động Hội, ông Mẫn thay đổi nội dung sinh hoạt với nhiều hình thức sinh động, tiếp nhận sáng kiến trong sản xuất của các hội viên để đưa ra bàn bạc, thảo luận, làm mô hình học hỏi, rút kinh nghiệm chung. Với những thành tích đạt được, ông Mẫn đã được UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006-2010...

Sau nhiều năm gầy dựng và phát triển giống mít mới, hiện nay mỗi năm, ông Mẫn cung cấp ra thị trường hàng ngàn cây giống và tiếng lành đồn xa, sản phẩm của ông không chỉ chinh phục thị trường ở TP Cần Thơ mà mở rộng sang các tỉnh Nam Trung bộ. Với những nỗ lực và ý chí cầu tiến, ông Mẫn không chỉ xứng đáng là tấm gương nông dân sản xuất giỏi làm giàu chính đáng mà còn là một nhà vườn năng động, sáng tạo, góp phần thúc đẩy phong trào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng ở địa phương ngày càng đạt hiệu quả, chất lượng...

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết