21/07/2015 - 08:09

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ tiếp Đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

* Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng làm việc tại An Giang

(CT)- Ngày 20-7-2015, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW (của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020), Trưởng Đoàn công tác cùng các thành viên trong đoàn đã đến làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và đại diện các ngành hữu quan đã tiếp đoàn.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ. Ảnh: CHẤN HƯNG

10 năm qua, việc quán triệt Nghị quyết số 48-NQ/TW được Thành ủy Cần Thơ triển khai, chỉ đạo Ban cán sự UBND thành phố và các cơ sở tổ chức Đảng liên quan thực hiện, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Trung ương và địa phương, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Chất lượng công tác xây dựng văn bản đảm bảo đúng quy trình, trình tự, có chuyển biến tích cực, chất lượng dần được nâng lên, hạn chế sai sót và vi phạm thủ tục ban hành văn bản, đặc biệt không xảy ra tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây phản ứng, bức xúc từ dư luận xã hội. Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của thành phố được tập trung đẩy mạnh; xử lý vi phạm hành chính từng bước khắc phục hạn chế, ổn định tổ chức, chấn chỉnh nghiệp vụ, quy trình thủ tục xử lý chặt chẽ, đảm bảo vừa giáo dục các đối tượng vi phạm, vừa ngăn ngừa tội phạm có thể xảy ra, củng cố kỷ cương pháp chế ở địa phương… Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ở thành phố còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy đảng của sở, ngành và quận, huyện chưa thực hiện tốt công tác phối hợp với Sở Tư pháp để chỉ đạo phòng Tư pháp và các phòng chuyên môn trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đơn vị; trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, TP Cần Thơ quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngành tư pháp phối hợp chặt chẽ với các ngành trên địa bàn, nâng cao trách nhiệm từng ngành, góp phần hạn chế tình trạng oan sai trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tình hình tội phạm được ngành chức năng quyết liệt đấu tranh, đẩy lùi, ngăn chặn một số loại tội phạm; giảm hẳn tình hình khiếu kiện đông người... Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ra dân cũng như kinh phí dành cho công tác còn hạn chế; năng lực cán bộ phụ trách pháp luật chưa đồng đều…

Qua kiểm tra, đồng chí Lê Thị Thu Ba đánh giá, Thành ủy Cần Thơ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ, xây dựng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, tổ chức các thiết chế, xây dựng pháp luật, lấy ý kiến nhân dân, sở ngành, để ban hành văn bản, điều chỉnh các hoạt động của địa phương trên các lĩnh vực; việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên… Đồng chí Lê Thị Thu Ba lưu ý, địa phương cần minh họa thêm số lượng từng mặt công tác; bám sát các nhóm nhiệm vụ để thực hiện đúng định hướng giai đoạn sau; đồng thời tổ chức hội nghị tổng kết, hoàn thiện báo cáo thực hiện Nghị quyết số 48 - NG/TW gởi Trung ương...

* Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng do ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng dẫn đầu đoàn công tác đã tới làm việc với thường trực Tỉnh ủy An Giang về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tuyên truyền pháp luật, kết quả tiếp công dân, những khiếu nại tố cáo.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, 6 tháng đầu năm 2015, thực hiện kế hoạch 81 về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, Đoàn rà soát và tổ giúp việc đã tiếp nhận, rà soát, phân loại 464 hồ sơ, trong đó có 31 hồ sơ có dấu hiệu sai phạm cần tiến hành rà soát giai đoạn 2 để xác định rõ mức độ, hành vi sai phạm; tổ chức 805 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút 19.330 lượt người tham gia; giải pháp thực hiện phòng chống tham nhũng được thực hiện trong cuộc họp giao ban hàng tuần, qua đó vụ án được giải quyết đúng thời gian quy định. đến nay, 82/82 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh đã triển khai thực hiện kê khai tài sản, thu nhập với số lượng là 10.736 người, tăng 292 người, đạt 99,98%; phát hiện 3 vụ sai phạm có dấu hiệu tham nhũng với số tiền trên 3,5 tỉ đồng…

Theo ông Nguyễn Hạnh, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang, trong thời gian tới địa phương tiếp tục chỉ đạo, rà soát tổng thể các cuộc thanh tra về kinh tế xã hội; Ban hành quy chế phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các vụ tham nhũng nghiêm trọng; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy… Ngoài ra, địa phương cũng đưa ra một số đề xuất như: Cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại mỗi địa phương; Trung ương nên ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; cần có sự cụ thể hóa và cơ chế hóa đối với các chủ trương, chính sách…

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạoTrung ương phòng chống tham nhũng đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang làm rõ việc thực hiện các vụ việc được thanh tra giao; kết quả thực hiện chỉ thị; kết quả thực hiện công tác phối hợp trong phòng chống tham nhũng; số lượng đơn vị hành chính đã công khai tài chính; công tác thực hiện giám sát đối với kết quả kê khai.

Ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết: Hiện nay, vấn đề khiếu nại, tố cáo khuyết danh chiếm tỷ lệ lớn, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý; chính sách giải quyết nhà ở, đền bù còn nhiều bất cập, khó khăn; đơn vị sự nghiệp có dấu hiệu tham nhũng ngày càng gia tăng, vì vậy cần thể chế hóa các quy định nhà nước; doanh nghiệp vay vốn bằng việc thế chấp tài sản dễ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng nhận xét: Công tác phòng chống tham nhũng tại An Giang được thực hiện đầy đủ, rõ ràng thông qua việc triển khai từng kế hoạch; thường xuyên kiểm tra và thể chế hóa về công tác phòng chống tham nhũng; ban hành nhiều văn bản quan trọng của Ủy ban Trung ương; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đa dạng hóa về hình thức; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo công khai, minh bạch, quyết liệt và cụ thể; giải quyết khiếu kiện kéo dài bằng phương pháp hòa giải; nhiệm vụ phương hướng được triển khai sát với thực tế….

Chấn Hưng-Nguyễn Nhân

Chia sẻ bài viết