22/02/2009 - 09:03

Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ tăng cường phối hợp công tác

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Ảnh: TRÍ DŨNG - TTXVN.

Ngày 21-2, Hội nghị bàn phối hợp công tác năm 2009 giữa lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ đã được tiến hành tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhất trí với báo cáo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cũng như trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ...

Để công tác phối hợp trong thời gian tới, nhất là năm 2009 đạt kết quả tốt hơn, Hội nghị nhất trí cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong việc xây dựng chương trình công tác, nhất là chương trình Kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên họp Chính phủ, tránh trùng lắp về thời gian. Các nội dung trình Quốc hội cần được Chính phủ cho ý kiến sớm, bảo đảm khoảng thời gian cần thiết để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra. Các dự án luật, pháp lệnh cần được chuẩn bị đúng tiến độ đề ra và bảo đảm chất lượng; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải được xem xét, chuẩn bị kỹ, chú trọng tính khả thi, tránh tình trạng phải rút một số dự án luật, pháp lệnh ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật vì chưa được chuẩn bị tốt. Nhiều ý kiến đề nghị, cùng với việc quan tâm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng luật, tham mưu xây dựng luật, cần xác định rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức không đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án luật đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, cần xác định rõ mức độ ưu tiên của từng dự án luật, tiếp tục cải tiến quy trình xây dựng luật... nếu không sẽ khó hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đề ra. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát; đồng thời tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều nhất trí cho rằng, quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thể hiện ở kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; các Kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đổi mới, cải tiến, góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo hướng thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật. Muốn vậy, cần cải tiến công tác chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, tránh sát nút mới trình dự thảo, mặt khác đã đưa vào chương trình thì phải thực hiện, tránh đưa vào rồi không thực hiện được, mà đã đưa vào thì phải có cơ sở, như vậy mới khả thi. Chủ tịch QH cho rằng, cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác “hậu” giám sát, thúc đẩy việc thực hiện một cách hiệu quả các kết luận giám sát; cũng như trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là các vấn đề về ngân sách nhà nước, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần tiếp tục phát huy quan hệ phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, vì lợi ích chung của đất nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng sát cuộc sống hơn. Thủ tướng cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực công tác sẽ bảo đảm hoàn thành chương trình công tác hàng năm và chương trình toàn khóa, đồng thời xử lý linh hoạt trước những diễn biến của tình hình kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và nhân dân.

Nguyễn Thị Sự (TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: TRÍ

Chia sẻ bài viết