Sáng 30-4, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020).
.jpg)
Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: DƯƠNG GIANG – TTXVN
Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước gồm có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương…
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn công lao của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước, dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang. Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Bác, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 45 năm trước, ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện.
Sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã tới đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Trong không khí trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.
Tiếp đó, đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương tại thềm rồng điện Kính Thiên, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; thăm di tích cách mạng Nhà và Hầm D67.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VGP
* Cũng trong sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị, đã long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” năm 2020, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2020).
Khác với mọi năm, năm nay do dịch COVID-19, nên Lễ Thượng cờ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được rút gọn số lượng người tham gia, nhưng ý nghĩa thiêng liêng của buổi lễ vẫn vẹn nguyên.
Tại buổi lễ, trong không khí trang nghiêm, trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên và tung bay phấp phới kiêu hãnh trên Kỳ đài của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Không khí bên bờ sông Bến Hải - con sông giới tuyến, trở nên trang trọng và thiêng liêng. Chính nơi đây, lịch sử mãi mãi khắc ghi sau Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 21-7-1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 là dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách.
Dòng sông Bến Hải hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc. Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất. Kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh ác liệt nhằm đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”, biến Quảng Trị trở thành vùng “đất lửa.” Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, tàn khốc của cuộc chiến, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã bất khuất, kiên cường anh dũng bám trụ, chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.
Ngay sau Lễ Thượng cờ tại Kỳ đài của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị, đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Lễ Thượng cờ tại Kỳ đài Hiền Lương-Bến Hải. Ảnh: HỒ CẦU - TTXVN
* Sáng 30-4, tại Hội trường Thống Nhất, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo UBND thành phố, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử và đoàn viên thanh niên.
Lễ kỷ niệm được tổ chức tại điểm cầu truyền hình trực tiếp và trực tuyến từ Hội trường Thống Nhất (Phòng Khánh tiết và khu vực trưng bày xe tăng 390). Hình ảnh được truyền về 47 điểm cầu tại UBND thành phố, Ủy ban MTTQVN thành phố, Thành đoàn thành phố, các sở, ngành, quận, huyện.
Mỗi điểm cầu có tối đa 30 đại biểu (tất cả đều đeo khẩu trang), gồm đại diện lãnh đạo thành phố, các quận, huyện, lực lượng vũ trang, nhân sĩ trí thức, nhân chứng lịch sử và đại diện nông dân, thanh niên, kiều bào…
Đây là lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo hình thức trực tuyến, để bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Ngoài ra, buổi lễ cũng là dịp để nhìn lại những thành tựu to lớn, đặc biệt là sau gần 35 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cùng cả nước thực hiện đường lối Đổi mới, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng.
* Đồng Tháp là 1 trong 5 điểm cầu (Hà Nội, Nghệ An, Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp) thực hiện Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh, Ý chí Việt Nam” kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2020).
Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6) tổ chức, nhằm khẳng định công lao to lớn của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; qua đó góp phần giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian tổ chức dự kiến vào lúc 20 giờ, ngày 19-5-2020.
Vùng đất Sen hồng Đồng Tháp, nơi có Làng Hòa An xưa là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại gắn bó những năm tháng cuối đời để truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân và bốc thuốc, chữa bệnh cho nhân dân Đồng Tháp. Tại đây, ở phường 4, thành phố Thủ phủ đất Sen Đồng Tháp có Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được trùng tu thành Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ngày nay.
PV (Tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn và Hànộimới) - NGUYỄN TOÀN