10/10/2010 - 08:16

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ

* Trao tặng Thủ đô Hà Nội Huân chương Vàng quốc gia của CHDCND Lào
* HÀ NỘI: Gặp mặt các đoàn khách quốc tế tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
* Tháp Phật giáo có nhiều tượng đồng nhất
Việt Nam được gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 9-10, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. Ảnh: NGUYỄN DÂN (TTXVN) 

Dự lễ viếng có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lão thành cách mạng cùng dự lễ viếng.

Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Tiếp đó, Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Thành ủy, UBND và MTTQ thành phố Hà Nội; Đoàn đại biểu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước; Đoàn đại biểu 1.000 Anh hùng và Mẹ Việt Nam Anh hùng, đoàn đại biểu Kiều bào, các đoàn khách nước ngoài đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ.

* Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ngày 9-10, tại trụ sở UBND TP Hà Nội đã diễn ra Lễ trao tặng Huân chương Vàng quốc gia, Huân chương cao quý nhất của nước CHDCND Lào cho Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam nói chung và giữa hai thủ đô Viêng Chăn-Hà Nội nói riêng.

Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đào Văn Bình. Về phía bạn Lào có các đồng chí: Bun Nhăng Volachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào; Som Bat Dialyho, Bí thư kiêm Đô trưởng TP Viêng Chăn; Sunthon Xayachak, Đại sứ Lào tại Việt Nam.

Thay mặt Đảng và Nhà nước Lào, đồng chí Bun Nhăng Volachit đã trân trọng trao Huân chương Vàng quốc gia của CHDCND Lào cho lãnh đạo thành phố Hà Nội. Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ, đồng chí Bun Nhăng Volachit nhấn mạnh: Việc trao tặng Huân chương cao quý nhất của Lào cho Thủ đô Hà Nội trong không khí long trọng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và lời cảm ơn chân thành nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng về những cống hiến xuất sắc và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Lào và cho việc củng cố tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam.

Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao tặng các bạn Lào món quà tặng ý nghĩa là mô hình rồng vàng thời Lý, biểu tượng gắn với lịch sử của Kinh thành Thăng Long xưa-Hà Nội nay.

* Chiều 9-10, UBND thành phố Hà Nội đã có buổi gặp mặt hơn 30 đoàn khách quốc tế tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trân trọng cảm ơn các vị khách quốc tế đến tham dự Đại lễ và khẳng định đó chính là “nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của Đại lễ, là biểu hiện mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa các nước trên thế giới với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Sau khi giới thiệu về 1000 năm lịch sử của Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Hà Nội luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trái tim của cả nước, đầu não chính trị quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao lưu quốc tế.

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới đã đăng ký tham gia vào các chương trình của Đại lễ.

* Ngày 9-10, Lễ gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội cho Tháp Báo Ân trong khuôn viên chùa Bằng - Linh Tiên tự, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã diễn ra trang trọng. Tới dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); đại diện chính quyền địa phương, các ban, ngành và đông đảo tăng ni, Phật tử Thủ đô.

Nhân dịp này, Hội đồng Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao Bằng công nhận Tháp Báo Ân là tháp Phật giáo có nhiều tượng đồng nhất Việt Nam. Trước đó, năm 2007 Tháp Báo Ân đã xác lập kỷ lục Tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội cho biết: Tháp Báo Ân được khởi công xây dựng từ năm 2004, với tổng kinh phí 17,5 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, thể hiện tinh thần báo đáp trọng ân của Phật giáo và truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng tới chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Bảo tháp Báo Ân được thiết kế theo hình tháp bát giác, cửa mở ra bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc của tháp bao gồm phần móng có độ sâu 45m với 9 trụ đỡ, mỗi trụ đường kính 1m. Phần thân tháp cao 45m, tượng trưng cho 45 năm thuyết pháp của Đức Phật. Ngọn tháp được làm bằng đồng nặng 1.300kg, cao 9,66m. Tháp Báo Ân cao gần 55m, gồm 13 tầng, 8 cột trụ ngoài của tháp đều làm bằng đá, chạm hình long phượng, tượng trưng cho âm dương hòa hợp. Tổng diện tích khuôn viên tháp là 1.500m2 được lát đá xanh. Bên trong tháp đặt 104 tượng Phật bằng đồng ngồi trên bệ đá, cao từ 0,67m đến 1,55m, nặng từ 100kg đến 300kg. Trên 8 cửa tháp ở tầng 1 có treo 8 pho sách (cuốn thư) đúc bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250 kg, chạm nổi các thi phẩm, thiền kệ của các bậc cao tăng Việt Nam.

NHÓM PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết