18/11/2010 - 21:39

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Làng hoa kiểng vào mùa

Lũ muộn chưa kịp rút đi, các làng hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhộn nhịp bước vào vụ hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán. Nhiều nhà vườn làm lại giàn mới, xuống giống, đan bội... Thời tiết, thị trường có nhiều bất lợi nhưng người trồng hoa vẫn tự tin vào thành công... của vụ hoa kiểng Tết này.

“ẨN SỐ” CÂY NỘI THẤT

 Anh Thiện Hồng hy vọng giống hoa hướng dương tháp sẽ tiếp tục hút hàng trong dịp Tết này.

Những ngày này, đến các làng hoa kiểng ở ĐBSCL, ai cũng thấy không khí rộn rã, náo nức như thể mùa xuân đang đến sớm. Nhà vườn ở các làng hoa Sa Đéc-Đồng Tháp, Chợ Lách-Bến Tre, Chợ Mới-An Giang... chào đón vụ hoa mới trong niềm vui. Đầu vụ, người trồng hoa tập trung mọi nguồn lực để có vụ hoa tốt, đưa ra thị trường Tết. Anh Thiện Hồng, “vua” giống cây mới ở Sa Đéc, cho biết: “Năm nay, tôi chuẩn bị rất kỹ để tiếp tục cho ra thị trường hoa hướng dương tháp. Năm ngoái, dù giá cao nhưng hoa bán rất chạy, hút khách lắm. Năm nay, có thể giá sẽ giảm chút đỉnh hoặc bằng giá năm ngoái và hứa hẹn tiêu thụ mạnh”. Đây là giống hoa nhập từ Thái Lan, trên thị trường, hiện chỉ mới có vài hộ ươm và nhân giống được loại hoa này. Hướng dương tháp có hoa dày đặc, chia thành nhiều tầng, nở hoa từ gốc đến ngọn. Theo anh Hồng, Tết Canh Dần, lần đầu tiên hoa hướng dương tháp được tung ra thị trường TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, giá khoảng 130.000 đồng/cặp (giá tại vườn ươm) với số lượng chỉ hơn 1.000 chậu. Vừa đưa ra chợ, loài hoa này đã thu hút sự chú ý của khách hàng, nhiều thương lái gọi điện đặt hàng nhưng không có nguồn cung.

Theo dự đoán của giới kinh doanh hoa kiểng vùng ĐBSCL, thị trường hoa Tết năm nay sẽ có nhiều giống mới nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà vườn sở hữu các giống này rất “kín tiếng” để tạo sức hấp dẫn và độc quyền trên thị trường. Theo giới chuyên “săn” hàng mới trong các làng hoa ở ĐBSCL, khả năng Tết này có trên 10 giống mới, tập trung chủ yếu là cây nội thất (còn gọi là kiểng lá). Loại cây trồng này bán rất chạy trên thị trường, ở khu vực thành thị, giá từ vài chục đến vài trăm ngàn mỗi chậu. Giá đắt nhưng số lượng bán ra vẫn cao vì cây trồng được thời gian dài, có khi đến vài năm. Hàng tồn được mang về nhà vườn để nhân giống tiếp cho những năm sau. Trong vài năm trở lại đây, kiểng lá đang dần chiếm lĩnh thị trường. “Các giống này phần lớn được nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Singapore với giá đắt đỏ. Sau khoảng 2 năm nhân giống mới tung ra thị trường. Nếu được đón nhận chỉ một mùa xem như đã thành công, lời nhiều. Nhưng có nhiều giống không được mùa chợ như mong muốn, coi như “đi tong” tiền nhập giống và chi phí ra chậu. Nói chung, nhập 5-7 giống mới, được thị trường tiếp nhận một nửa là coi như thành công”- một chủ vườn chuyên giống kiểng lá cho biết.

VẪN CÒN NHIỀU NỖI LO

Trong khi kiểng nội thất còn là “ẩn số” thì các loại hoa Tết đang làm nhiều nhà vườn vẫn lo lắng vì thời tiết diễn biến thất thường. nhất là những hộ trồng mai, đang hồi hộp trước những đợt không khí lạnh, mưa cuối mùa... Dù vậy, các hộ làm hoa Tết ở ĐBSCL vẫn không bỏ trồng các loại hoa này vì tin rằng, “Tết đến thì ai cũng phải có vài chậu hoa trong nhà”.

Ba ngày xuân, không thể thiếu những chậu cúc mâm xôi, cúc đại đóa, hồng các loại, mãn đường hồng, vạn thọ... Trong đó, cúc mâm xôi được xem là mặt hàng chủ lực của nhiều hộ trồng hoa ở Đồng Tháp, Bến Tre. Hàng chục năm nay, cúc mâm xôi luôn làm “nóng” thị trường hoa kiểng Tết. Loại hoa này còn được xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc. Năm ngoái, thị trường hút hàng, càng gần Tết, giá cúc mâm xôi càng tăng nhưng sức mua không giảm. Dự báo cho thị trường năm nay, anh Tám Xuân ở Vĩnh Long, chuyên phối hàng cho các chợ hoa Tết, cho biết: “Thời điểm này, có thể dự đoán được thời tiết không thuận lợi cho việc trồng hoa nở đúng Tết. Cúc mâm xôi lại rất “nhạy” với thời tiết nên khả năng hút hàng là cái chắc. Giá thu mua tại vườn năm nay tròm trèm 40.000 đồng/chậu hoa nở đúng Tết. Năm ngoái, giá thị trường lên đến 120.000-180.000 đồng/cặp. Các thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, giá đắt đỏ cỡ nào, cúc mâm xôi vẫn bán chạy. Riêng hàng xuất khẩu thì đòi hỏi “chuẩn” hơn: Chậu phải đẹp và đầy đặn, hoa nở đồng đều, đúng vào những ngày Tết”.

Riêng cúc đại đóa, vạn thọ, hồng các loại... được gieo trồng nhiều tại hai vùng chuyên canh hoa kiểng Chợ Lách, Sa Đéc và các vùng trồng thời vụ, như: An Bình (TP Cần Thơ), cù lao An Thạnh (tỉnh An Giang), Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang)... Đây là những mặt hàng truyền thống, bán chạy tại các chợ từ thành thị đến nông thôn. Giống dễ ươm trồng, dễ tiêu thụ vì giá mềm nên được nhiều hộ ưa trồng, nhất là các hộ có tiềm lực yếu về kinh tế, kỹ thuật, giống mới... Tuy vậy, giá cả thị trường đang là nỗi lo của nhiều người. Bởi hiện nay, vật giá đều tăng do sự biến động chung của thị trường, trong khi nhà vườn chưa thể đánh giá được chợ Tết này sẽ như thế nào. “Người trồng hoa ít khi nào an tâm với thị trường. Chỉ tới khi trong vườn không còn chậu hoa nào vào trước ngày đưa ông Táo mới thấy nhẹ người”- anh Nguyễn Văn Đời, hộ trồng hoa Tết ở huyện Chợ Lách, tâm sự.

Thời tiết được dự báo còn nhiều diễn biến thất thường, ngẫm đến điều này, nhiều người trồng hoa thở dài thườn thượt! Bởi hoa kiểng mà gặp mưa nhiều, thời tiết lạnh bất thường thì coi như hoa phụ lòng người, không ra hoa đúng Tết, tỷ lệ tổn thất cao và không loại trừ bị mất trắng nếu xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được điều gì ngay thời điểm này. Hoa vẫn được xuống giống để kịp mang ra chợ hoa xuân...

Bài, ảnh: DU MIÊN

Chia sẻ bài viết