08/12/2021 - 13:26

Làm gì để thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh?    

 Nhóm PV Thời sự  

Bài 2: Linh hoạt thích ứng, không hoang mang

Trước tình hình dịch COVID -19 diễn biến nhanh và phức tạp, trong thời gian đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều địa phương tại TP Cần Thơ chưa thích ứng kịp và cũng không thể tránh khỏi tình trạng F0 tăng khi các hoạt động kinh tế - xã hội thành phố dần phục hồi. Trước tình hình đó, thành phố đã và đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để thích ứng với tình hình mới.

Thành viên Tổ COVID cộng đồng khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt “Sổ sức khỏe điện tử” phòng COVID-19. Ảnh: K.XUÂN

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền

Hơn 5 tháng qua, người dân đã quen với hình ảnh ông Ngô Hữu Nghiêm, Phó Ban Bảo vệ Dân phố phường Lê Bình, quận Cái Răng, ngày hai lượt trên chiếc xe gắn máy cùng loa truyền thanh đi khắp các hẻm lớn nhỏ, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh; kêu gọi, nhắc nhở bà con đi xét nghiệm cộng đồng, tiêm ngừa… Hơn 1 tháng qua, khi số ca mắc COVID-19 tăng cao, đi đến đâu, ông Nghiêm cũng luôn nhắc nhở bà con chấp hành tốt 5K, khuyến khích các hộ bán hàng hóa, thực phẩm mang đi...

Tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, rất nhiều cán bộ cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch như ông Nghiêm. Bà Trần Thị Thúy Linh, Bí thư Ðảng ủy phường Ba Láng, quận Cái Răng, cho biết: “Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của thành viên các tổ COVID cộng đồng nên người dân tham gia tiêm vaccine tốt. Tính đến nay, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn phường đạt khoảng 99%”. Quận Cái Răng cũng tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook; bản tin, trang tin, cổng thông tin điện tử của địa phương. Các tổ COVID cộng đồng đã nghiên cứu lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp, chuyển tải thông tin đến người dân một cách ngắn gọn, đầy đủ, nhanh, chính xác nhất.

Tại huyện Phong Ðiền, ngành chức năng và địa phương chủ động tuyên truyền bằng pano, áp phích, băng rôn và trên hệ thống đài truyền thanh. Các xã, thị trấn còn bố trí 82 mô tô trang trí khẩu hiệu phòng, chống dịch COVID-19, gắn loa tuyên truyền ngày 2 buổi trên các tuyến đường chính trong huyện… 269 tổ COVID cộng đồng trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền vận động thực hiện 5K; nắm danh sách, tình hình sức khỏe, tiêm ngừa của các thành viên trong từng hộ, thường xuyên rà soát, nắm danh sách người dân từ các tỉnh khác về địa phương... Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: “ Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các ấp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong nhân dân, sự nỗ lực của các tổ COVID cộng đồng... đã giúp địa phương khống chế được dịch bệnh”.

Tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, tuy dịch đang ở cấp độ 1, nhưng những ngày qua, số ca F0 tăng lên hơn 173 ca. Ðể người dân thích ứng với tình hình mới, không hoang mang, ông Phạm Thanh Sơn, Bí thư Ðảng ủy xã, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn dần được kiểm soát”.

Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại di tích, trong tổ chức lễ hội cũng được TP Cần Thơ chú trọng thực hiện tốt. Ông Lê Văn Mười, Phó Ban Trị sự đình Bình Thủy, cho biết: “Kỳ yên Thượng điền vừa rồi, đình làm nhỏ gọn, chủ yếu là phần lễ. Ðến Kỳ yên Hạ điền sắp tới cũng sẽ giảm quy mô, bỏ tất cả phần hội, chỉ tập trung một vài vị trong Ban trị sự để cúng kính linh Thần mà thôi”. Một số di tích, cơ sở thờ tự có lễ hội truyền thống hằng năm cũng tạm dừng hoặc giảm quy mô lễ hội ở mức tối thiểu, chỉ tổ chức phần lễ với số lượng rất ít người thực hành nghi thức. Các việc cưới hỏi, hiếu hỉ cũng được nhiều gia đình tổ chức trong phạm vi gia đình, không tập trung đông người. Ông Nguyễn Hoàng Thanh ở khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, vừa tổ chức đám cưới cho con gái duy nhất trên tinh thần đảm bảo phòng dịch. Ðám cưới chỉ khoảng 10 người là bà con hai bên thông gia, không ca hát, không tiệc tùng, không kéo dài thời gian. Một đám cưới chỉ với phần lễ, diễn ra chưa đầy 1 giờ, nhưng rất đầm ấm, hạnh phúc. 

Tăng cường kiểm tra, linh hoạt thích ứng

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ:

Dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện bám sát “mục tiêu kép”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thành phố coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; từng bước mở cửa các hoạt động phù hợp với diễn biến, cấp độ dịch, độ bao phủ vaccine. Các ngành có liên quan tập trung rà soát, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Ninh Kiều là địa bàn tập trung nhiều cơ sở dịch vụ. Từ ngày 14-8 đến nay, quận Ninh Kiều đã ra quân 25 lượt, kiểm tra 135 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng quán ăn uống. Các đoàn kiểm tra đã lập biên bản nhắc nhở, xử phạt 103 đơn vị. Trong đó, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 135 triệu đồng. Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, khuyến cáo các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, nhất là dịch vụ ăn uống, cần chủ động cập nhật thông tin về cấp độ dịch để điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với các quy định phòng, chống dịch. Ðặc biệt, ngoài thực hiện cam kết với địa phương về đảm bảo các điều kiện an toàn khi hoạt động, ở các phường có cấp độ dịch từ cấp 2 trở lên, cơ sở dịch vụ ăn uống không phục vụ rượu, bia tại chỗ, hoạt động trong mức công suất được cho phép và phải tuân thủ 5K.

Ông Nguyễn Việt Triều, Bí thư Ðảng ủy xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “Toàn xã có 15 doanh nghiệp và 718 hộ thương mại, dịch vụ. Ðảng ủy xã chỉ đạo UBND và lực lượng công an, dân phòng, dân quân thường xuyên kiểm tra, tuần tra để nhắc nhở các tiểu thương ở Trung tâm thương mại, chợ Bà Ðầm thực hiện tốt biện pháp 5K, căng dây trước sạp bán hàng để người bán và người mua không tiếp xúc gần, thường xuyên đeo khẩu trang”. Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, có 24 doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, 8 bến đò và bến phà, 8 chợ truyền thống và chợ tự phát hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Ông Chung Khánh Nghị, Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, nói: “Thường trực UBND phường chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên đến kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương, doanh nghiệp, chủ bến đò, bến phà bảo đảm phương án phòng, chống dịch”.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố thường xuyên đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện và các doanh nghiệp. Qua kiểm tra tại quận Bình Thủy và Ô Môn, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự giác phòng, chống dịch; nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Ðồng thời, thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình để điều chỉnh cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và có biện pháp chống dịch linh hoạt theo thực tế của địa phương. Thực hiện tốt công tác rà soát, xét nghiệm, điều trị, cách ly theo đúng quy định; phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ số F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà để hướng dẫn điều trị cũng như phối hợp đưa bệnh nhân trở bệnh nặng đi điều trị kịp thời.

An toàn trong sản xuất, kinh doanh 

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã và đang nỗ lực tự phòng, chống dịch và tìm hướng đi để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Phạm Nghĩa, Công ty đang triển khai phương án “3 tại chỗ” và “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” để đảm bảo an toàn sản xuất cũng như sức khỏe của toàn bộ nhân viên công ty. Công ty xác định biến thách thức thành cơ hội thông qua việc mở rộng kênh bán hàng online; tối ưu hóa máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại để cải thiện năng suất và tiết kiệm chi phí…

Ðối với Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt, theo bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Tổng Giám đốc, Công ty chỉ mới hoạt động 70% công suất, với khoảng 600-700 công nhân. “Chúng tôi cho công nhân làm việc chia làm 2 ca tách biệt (300-350 công nhân/ca) và tiến hành ngăn vách, ngăn xưởng, ngăn chuyền để tránh tiếp xúc với nhau. Công nhân rất có ý thức nên luôn tuân thủ 5K rất nghiêm túc. Công ty sẽ nâng dần công suất hoạt động, dự kiến lên 100% vào đầu năm 2022” - bà Tuyền nói.

Từ ngày 10-11-2021 đến nay, thành phố đã tổ chức 12 lượt kiểm tra đột xuất tại các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đến nay, đã kiểm tra đột xuất 71 lượt đối với 11 siêu thị, trung tâm thương mại, phối hợp kiểm tra các địa điểm kinh doanh ăn uống, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Cần đồng lòng, quyết liệt hơn nữa 

Chia sẻ bài viết