26/08/2009 - 08:46

Làm gì để nâng cao vai trò của HĐND trong việc đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân?

Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND, một trong những nhiệm vụ của Thường trực HĐND là tiếp công dân, đôn đốc, kiểm tra tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KN-TC) của công dân. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động này còn gặp không ít khó khăn vướng mắc, hiệu quả chưa cao. Xuất phát từ thực tế đó, tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tổ chức vào trung tuần tháng 8-2009, tại tỉnh Bến Tre, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả đối với công tác này...

* HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Nhiều ý kiến đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất rằng, việc Thường trực HĐND tham gia các hoạt động tiếp công dân, lắng nghe ý kiến nhân dân và đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị, KNTC của công dân đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, thúc đẩy các cơ quan chức năng giải quyết nhanh các KN-TC của công dân một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, hoạt động này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả chưa như mong muốn, nên nhiều địa phương, số lượng đơn KN-TC, kiến nghị hàng năm vẫn chưa giảm; số đơn thư KN-TC tồn đọng kéo dài.

Theo các đại biểu, một trong các nguyên nhân của tình trạng này là do Thường trực HĐND một số nơi chưa làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng rốt ráo giải quyết KN-TC của người dân. Ông Nguyễn Quốc Nhân, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre, cho biết: Thực hiện chức năng giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Pháp chế đã giám sát về vấn đề này, nhưng nội dung giám sát còn chung chung. Trong từng đợt kiểm tra giám sát chưa quy được trách nhiệm cụ thể nên hiệu quả không cao, tình trạng các cơ quan chức năng chuyển đơn lòng vòng, đùn đẩy né tránh trách nhiệm giải quyết vẫn còn, vì vậy toàn tỉnh Bến Tre hiện còn tồn 300 đơn KN-TC chưa được giải quyết. Ông Nguyễn Quốc Lâm, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, thừa nhận: “Do cơ chế hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND đa số là kiêm nhiệm, quỹ thời gian dành cho hoạt động của HĐND còn ít, nên việc tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý đơn thư KN-TC của công dân, cũng như theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện các kiến nghị vẫn chưa được thường xuyên”.

Bà Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Thường trực HĐND TP Cần Thơ, tham gia phát biểu tại hội thảo. 

Một nguyên nhân khác được nhiều đại biểu nêu lại tại hội nghị là năng lực của đại biểu HĐND và bộ phận giúp việc hiện nay còn hạn chế. Theo bà Nguyễn Ngọc Truyền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long: “Khó khăn lớn đối với Thường trực HĐND là các KN-TC thuộc lĩnh vực xét xử của Tòa án; Thường trực chưa có kỹ năng để tiếp cận”. Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Ban pháp chế HĐND tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận: “Một số đại biểu HĐND còn hạn chế về kiến thức pháp luật chuyên sâu ở một số lĩnh vực mà dân KN-TC nên việc xử lý đơn thư KN-TC vẫn còn lúng túng. Trong khi đó, bộ phận chuyên viên giúp việc ở văn phòng lại không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, chất lượng tham mưu, đề xuất còn hạn chế”.

Ở Cần Thơ, hoạt động tiếp công dân ở Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND được tổ chức hằng ngày. Qua hoạt động tiếp dân, tiếp nhận đơn thư KN-TC của công dân, Thường trực HĐND thành phố chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh bạn, công tác đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, KN-TC của công dân cũng không đạt hiệu quả cao. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, bà Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ, cho rằng: Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định chế tài các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong việc chậm hoặc không trả lời các kiến nghị, KN-TC của công dân được Thường trực HĐND chuyển đến. Phân tích vấn đề này, ông Sơn Minh Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, nói: “Do không có quy định chế tài nên có một số trường hợp, khi Thường trực HĐND đề nghị xúc tiến giải quyết, các sở ngành, UBND, tòa án nhân dân lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, giải quyết không dứt khoát, dẫn đến việc người dân bức xúc, tập trung đông người khiếu kiện ở các cơ quan cấp trên”. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Nhân, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre, cho biết: “ Ở Bến Tre có trường hợp Ban Pháp chế HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị vụ việc đã 2 năm, nhưng chưa được cơ quan chức năng khắc phục”...

* CẦN CÓ CHẾ TÀI

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chức năng trong việc giải quyết kiến nghị, KNTC của công dân của Thường trực HĐND, bà Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ, cho rằng: Nhất thiết phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp đối với các cơ quan chức năng, nhất là với UBND các cấp và cơ quan tư pháp. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc giải quyết, tham mưu giải quyết các kiến nghị, KN-TC của công dân. Bà Nguyễn Ngọc Sương kiến nghị: “Quốc hội cần nghiên cứu sớm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác tiếp dân và giải quyết kiến nghị, KN-TC của công dân theo hướng đồng bộ, thống nhất và phải có chế tài đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đề nghị sửa đổi luật KN-TC theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của HĐND. Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm những người lợi dụng dân chủ, quyền KN-TC để kích động, lôi kéo, tổ chức đông người đi khiếu kiện. Cần có chính sách động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong giải quyết KN-TC cũng như trong hoạt động giám sát việc giải quyết KN-TC của công dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức có hành vi né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết cũng như trong việc giám sát việc giải quyết KN-TC của công dân”.

Quan điểm của bà Sương được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Sơn Minh Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, nói: “Để giúp Thường trực HĐND thực hiện tốt công tác tiếp công dân, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết KN-TC của công dân, thì các văn bản pháp luật phải quy định cụ thể chế tài trách nhiệm về việc thông báo kết quả giải quyết đơn KN-TC, kiến nghị cho đoàn Thường trực HĐND chuyển đến cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết”. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Nhân, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre, đề xuất: “Quốc hội nên ban hành luật Giám sát của HĐND để quy định trách nhiệm cụ thể cho HĐND, cũng như các cơ quan chức năng trong việc giám sát và đôn đốc thực hiện giải quyết kiến nghị, KN-TC của công dân”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các cơ quan chức năng Trung ương cần tổ chức các chương trình tập huấn về công tác tiếp dân, đôn đốc kiểm tra, giải quyết kiến nghị KN-TC của công dân để nâng cao phương pháp, kỹ năng kiểm tra, giám sát của đại biểu cũng như bộ phận giúp việc. Còn ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Ban pháp chế HĐND tỉnh Sóc Trăng thì đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi toàn diện luật KN-TC, đặc biệt là các quy định có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết KN-TC khi nhận được đơn KN-TC do Thường trực HĐND và đại biểu HĐND chuyển đến.

Các ý kiến của đại biểu đã được ông Trịnh Sao Mai, Phó Vụ trưởng Vụ công tác đại biểu của Ban công tác Đại biểu thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, ghi nhận. Ông Trịnh Sao Mai nhấn mạnh: Công tác giám sát, tiếp dân, đôn đốc các cơ quan chức năng trả lời KN-TC của công dân là một trong những hoạt động khó nhất của đại biểu Quốc hội, HĐND. Muốn thực hiện tốt công tác này, Thường trực HĐND các tỉnh, thành cần xây dựng quy chế tiếp công dân; cán bộ tiếp dân phải có kỹ năng chuyên môn, am hiểu về pháp luật, vững vàng về chính trị. Thái độ tiếp công dân phải mềm mỏng, biết lắng nghe dân nói, có kỹ năng phân loại các ý kiến của công dân và tham mưu cho Thường trực HĐND chuyển đúng cơ quan giải quyết cũng rất quan trọng trong quá trình giải quyết KN-TC của công dân.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết