30/06/2009 - 20:28

Làm gì để hạn chế đình công?

Đình công là điều người sử dụng lao động và người lao động cũng như cơ quan hữu quan đều không mong muốn. (Trong ảnh: Sáng 9-12-2008, công nhân Cty Thủy sản Bình An (KCN Trà Nóc II) đồng loạt bỏ việc phản ứng chung quanh chế độ lương, thưởng).

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ, từ năm 2007 trở về trước, trung bình mỗi năm chỉ xảy ra từ 2-3 vụ đình công, ngừng việc tập thể. Đến năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, trên địa bàn xảy ra 9 vụ đình công, ngừng việc, trong đó có những vụ số lượng công nhân tham gia đình công lên đến trên 3.000 người. Đâu là nguyên nhân và làm gì để hạn chế đình công?

* Bức xúc... đình công

Ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ, cho biết: Chỉ cần lương chậm 2-3 ngày là đã có sự phản ứng của người lao động, nếu chủ doanh nghiệp không kịp thời giải quyết có thể bùng phát ngay đình công. Hoặc lương hằng tháng người lao động nhận 1,5 triệu đồng, nhưng qua tháng mới bị giảm còn 1,2 – 1,3 triệu đồng thì công nhân phản ứng ngay. Do người sử dụng lao động chưa thực hiện tốt qui chế dân chủ, chưa công khai minh bạch trong phân phối thu nhập. Điều này thuộc trách nhiệm của Công đoàn cơ sở, chưa kịp thời nhanh nhạy trong phát hiện vấn đề, tham mưu để lãnh đạo đơn vị giải quyết vụ việc có tình, có lý, đúng qui định pháp luật. Khi xảy ra đình công, phía LĐLĐ thành phố và chính quyền địa phương luôn phối hợp với các cơ quan chức năng có mặt kịp thời để giải quyết những vấn đề mà công nhân đặt ra. Cá biệt có vụ đình công, người lao động bất hợp tác với cơ quan chức năng trong việc giải quyết vụ việc và đưa ra nhiều yêu sách bất hợp lý, như yêu cầu chủ doanh nghiệp phải ra khỏi cổng công ty để đàm phán với công nhân...

Theo đánh giá của LĐLĐ TP Cần Thơ, nguyên nhân chủ yếu của những vụ đình công, ngừng việc, chủ yếu do lương, thưởng; thời gian làm việc; tính toán sản phẩm, điều kiện làm việc không đảm bảo, không có nhà ở cho người lao động, đời sống văn hóa tinh thần thiếu thốn... và đa phần công nhân phản ứng không thông qua tổ chức Công đoàn và hầu hết các vụ đình công đều không thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Dù thời gian qua, LĐLĐ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động nắm rõ trình tự, thủ tục để nếu tiến hành đình công, công nhân thực hiện đúng luật. Các cuộc đình công, ngừng việc tập thể tập trung nhiều vào thời điểm giá cả tiêu dùng biến động tăng cao, dịp cuối năm dương lịch, trước và sau Tết Nguyên đán...

Và một thực tế đáng quan tâm trong các cuộc đình công xảy ra vào năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là chưa có một cuộc đình công nào do Công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Điều này cho thấy Công đoàn cơ sở nơi xảy ra đình công chưa tập hợp được công nhân lao động, chưa tạo được niềm tin và sự gắn bó của người lao động với tổ chức Công đoàn. Vấn đề nằm ở chỗ cán bộ Công đoàn cơ sở chưa thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động... Anh Huỳnh Vĩnh H. (công nhân Cty T.N – KCN Trà Nóc I – quận Bình Thủy) cho rằng: “Hồi giữa năm 2008, công ty thay đổi cách tính khoán sản phẩm theo kiểu ép công nhân nên tôi và hàng trăm anh em khác đã phản ứng lại bằng cách tập trung tại công ty để yêu cầu có lời giải thích thỏa đáng. Thời điểm này, công ty đâu có tổ chức Công đoàn để làm chỗ dựa cho anh em công nhân. Thậm chí tôi và nhiều anh em khác vô làm 3 tháng, công ty không ký hợp đồng gì hết. Họ nói chờ tới đợt mới ký. Thắc mắc nhưng không biết hỏi ai ?”. Còn Chị Trần H.Th. (công nhân Công ty TNHH P. ở KCN Trà Nóc I, quận Bình Thủy, cho biết: “Tôi làm ở công ty này 6 năm, công việc thường xuyên nhưng phía công ty cứ ký hợp đồng thời vụ. Hỏi mấy anh Công đoàn thì chẳng ai trả lời... Đã vậy, tiền ăn, tiền phụ cấp quá thấp khiến anh chị em công nhân bức xúc, đề đạt với Công đoàn công ty nhưng không thấy lãnh đạo giải quyết mà cứ hứa hoài nên tụi tui kéo nhau ngừng việc để làm rõ mọi chuyện”.

* Xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định

Để hạn chế tình trạng đình công, theo ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, ngành hữu quan cần quan tâm xử lý tốt các mối quan hệ lao động lành mạnh trên tinh thần hợp tác, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cụ thể nhất là việc tạo lập cơ chế, chính sách trả công, trả lương theo nguyên tắc thị trường; bảo đảm cho người lao động có tiền lương, tiền công đủ sống, tạo ra sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp... Ngành hữu quan, trong đó có Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, từ đó kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động và có những kiến nghị để xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật lao động.

Còn theo ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ, thời gian tới phía LĐLĐ thành phố tích cực thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Quyết định số 1129-QĐ/TTg ngày 18-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW (của Ban Bí thư), đồng thời thực hiện các văn bản của Tổng LĐLĐ Việt Nam về giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công... Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thành lập Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất đối với hoạt động của Công đoàn cơ sở để Công đoàn thực sự là người đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật lao động cho người lao động...

Ông Hồng còn cho biết, một cách làm khá hay của LĐLĐ huyện Thốt Nốt đã làm được trong thời gian vừa qua là lãnh đạo LĐLĐ huyện có “kênh” thông tin riêng tại một số doanh nghiệp lớn, nên khi những vụ đình công mới manh nha đã được LĐLĐ huyện nắm bắt kịp thời và cắt cử ngay cán bộ đến doanh nghiệp làm việc và nhanh chóng làm rõ, giải quyết những thắc mắc, yêu cầu của công nhân... Nhờ đó đã giải quyết ổn thỏa một số vụ đình công. Sắp tới, LĐLĐ thành phố nghiên cứu phát huy cách làm này để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế đình công. Bên cạnh đó, tích cực tham gia giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời tình trạng vi phạm pháp luật lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp, tạo chỗ dựa tin cậy trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết