26/01/2010 - 21:12

Làm gì để bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa ?

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Quốc hội đã tiến hành giám sát vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo người trồng lúa có lãi và việc điều hành xuất khẩu gạo,... đối với một số tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), như: TP Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang. Thực tế giám sát cho thấy, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách đối với người trồng lúa, nhưng đời sống của nhiều nông hộ vẫn còn nhiều khó khăn, điệp khúc “được mùa rớt giá” cứ tiếp tục tái diễn. Đóng góp của đông đảo cử tri và phản ánh của đại biểu Quốc hội các tỉnh ĐBSCL trong thời gian gần đây cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc khiến nông dân chưa thật an tâm với số phận của hạt gạo do mình làm ra...

* Cử tri trồng lúa vẫn bức xúc...

Tại buổi giám sát, các đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành và các sở, ngành, doanh nghiệp trong khu vực đều khẳng định: ĐBSCL không chỉ đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia mà hàng năm còn cung ứng lượng gạo rất lớn cho xuất khẩu. Mặc dù vậy, đa số người trồng lúa khu vực này vẫn còn gặp khó khăn trong đời sống. Hiện nay, nông dân luôn đối mặt với tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng gia tăng, trong khi đó giá lúa thường bấp bênh. Người nông dân trồng lúa, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nhưng không quyết định được giá cả. Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Hiện nay, người trồng lúa có thể đạt được mức lãi 30%. Nhưng thực tế nông dân vẫn nghèo, vì nông dân ĐBSCL có đặc điểm là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Phần lớn nông dân ít ruộng đất dù có lãi cao hơn cũng nghèo, nợ nần quanh năm. Chỉ trừ số ít trường hợp người dân tích tụ được ruộng đất, cuộc sống mới khá giả”.

Tại Cần Thơ, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, vấn đề người trồng lúa luôn “thua thiệt” cũng đã được cử tri các huyện ngoại thành phản ánh rất nhiều lần. Nhiều cử tri kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo; đồng thời cần có giải pháp quyết liệt để bình ổn giá vật tư nông nghiệp và tăng cường kiểm tra các cơ sở, đại lý bán vật tư nông nghiệp để tránh tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt thòi cho người dân. Trong năm 2009, qua giám sát tình hình sản xuất vụ lúa đông xuân 2008-2009 và chi phí sản xuất của người trồng lúa ở địa bàn các quận Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Nông trường Cờ Đỏ..., Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cũng ghi nhận: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp,... chi phí sản xuất của người trồng lúa đã giảm, lợi nhuận tăng. Nhưng nhìn chung đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn khó khăn, do diện tích sản xuất nhỏ, giá cả vật tư thường tăng, trong khi giá lúa bấp bênh,...

* Nhiều trung gian, nhiều bất cập...

 Ông Huỳnh Văn Tiếp (bìa phải), Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đang trao đổi với nông dân Thốt Nốt về tình hình sản xuất lúa trong một chuyến giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ.

Theo ông Đoàn Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân của thực trạng vừa nêu là do hệ thống thu mua lúa còn nhiều bất cập, qua quá nhiều trung gian. Hiện nay, việc thu mua lúa của nông dân chủ yếu do thương lái thực hiện và qua nhiều khâu trung gian rồi mới đến đơn vị xuất khẩu nên giá mua lúa trực tiếp với nông dân thường thấp, đôi khi còn xảy ra tình trạng tư thương ép giá nông dân. Thử tìm hiểu quy trình hạt gạo từ tay nông dân đến khi lên đường xuất khẩu có thể thấy phải qua rất nhiều khâu trung gian: Từ “bạn hàng” mua lúa của nông dân rồi “sang tay” cho nhà máy xay xát và các nơi này bán gạo lại cho nhà máy lau bóng gạo, rồi mới đến tay các đơn vị xuất khẩu thu mua. Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Tấn Lực, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nói: “Chỉ có một “cái bánh” mà chia ra nhiều phần, tất nhiên mỗi phần phải nhỏ đi và người nông dân chỉ hưởng một phần nhỏ. Càng ít khâu trung gian, người trồng lúa mới hy vọng được cải thiện lợi nhuận”.

Bên cạnh đó, một số điểm bất hợp lý trong điều hành xuất khẩu gạo cũng có ảnh hưởng đến giá lúa gạo. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, trình bày: “Việc điều hành của Chính phủ, điều phối của Hiệp Hội lương thực Việt Nam trong xuất khẩu gạo vừa qua đôi lúc còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, làm cho việc tiêu thụ lúa gạo gặp nhiều khó khăn, giá lúa gạo trong nước sụt giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, việc tái đầu tư và mở rộng sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng gặp khó khăn, không chủ động được trong kinh doanh; có doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng rồi, nhưng không đăng ký được chỉ tiêu xuất khẩu gạo với Hiệp Hội lương thực Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam chưa có biện pháp chấn chỉnh triệt để những biểu hiện, như: ký khống hợp đồng giữ chỉ tiêu; chưa công khai minh bạch các chỉ tiêu xuất khẩu gạo của doanh nghiệp theo hợp đồng tập trung của Chính phủ...”. Các địa phương cho rằng hiện nay đang có nghịch lý là các tỉnh, thành có sản lượng lúa nhiều, nhưng lại được giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo ít. Trong khi đó, các đơn vị xuất khẩu khác lại chưa có hệ thống thu mua lúa tận nông dân. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sản lượng lúa của tỉnh hằng năm đạt khoảng 1,7 triệu tấn; trong khi đó nhu cầu sử dụng, tiêu dùng sản xuất khoảng 600.000 tấn/ năm và còn trên 1 triệu tấn lúa hàng hóa. Trong khi đó, chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh chưa được 20.000 tấn gạo, do đó lượng lúa còn lại của nông dân phải trông chờ vào thương lái ở các địa phương khác”. Tương tự, ở các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh,... chỉ tiêu xuất khẩu cũng rất hạn chế so với lượng lúa hàng hóa của địa phương.

* Để giúp người trồng lúa nâng cao thu nhập...

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, các đại biểu cũng đã đề xuất các giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực và đời sống của người trồng lúa. Ông Đoàn Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, và một số đại biểu cũng nhấn mạnh phải khẩn cấp nâng cao năng lực dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo ở cấp vĩ mô để không lỡ những cơ hội “vàng”, xuất khẩu gạo được giá cao. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thì ở ĐBSCL điều kiện thời tiết thuận lợi, lúc nào cũng có nơi nông dân thu hoạch lúa. Nơi đây còn đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Do đó, vấn đề dự báo cần phải chính xác để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Ông Thắng cho rằng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo của các cơ quan chức năng gần đây đã cải thiện, tuy nhiên Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc điều hành xuất khẩu gạo, nhằm khắc phục sự chậm trễ trong việc quyết định chính sách xuất khẩu. Nếu dự báo sai, hoặc quyết định xuất khẩu gạo không đúng thời điểm, giá gạo trên thị trường thế giới không có lợi, tồn đọng lúa, gây thêm những khó khăn cho đời sống nông dân. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị chức năng cần nghiên cứu giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho phù hợp với từng địa phương, nhất là đối với các tỉnh có lượng lúa gạo nhiều để giải phóng nhanh lượng lúa tồn đọng trong dân.

Nhiều ý kiến cho rằng các chuyên gia, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các tỉnh trong khu vực quy hoạch lại việc sản xuất lúa, gạo cho phù hợp hơn. Ông Lê Tấn Lực, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, phân tích: “Hiện nay, đang tồn tại vấn đề chưa hợp lý là mỗi tỉnh thành đều có cơ cấu giống khác nhau, lúa dài, lúa tròn cũng khác nhau,... do đó khi thị trường thế giới cần một loại gạo cùng phẩm chất thì chúng ta không đủ để cung ứng. Từ đó dẫn đến trường hợp đơn vị xuất khẩu của tỉnh này chạy sang tỉnh khác để mua lúa, gạo, trong khi đó lúa gạo của nông dân tỉnh mình không có nơi tiêu thụ...”. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đồng thời tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa, ông Lực cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng sân phơi, các nhà máy xay xát, lao bóng gạo xuất khẩu gần vùng nguyên liệu để giảm bớt các khâu trung gian trong thu mua, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, kho bãi, cơ sở chế biến,... đồng bộ cũng là vấn đề nhiều đại biểu kiến nghị. Ông Lâm Hùng Kiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trong kho gạo xuất khẩu của Thái Lan lúc nào cũng có khoảng 10 triệu tấn gạo, khi thị trường gạo thế giới tăng giá thì ngay lập tức các doanh nghiệp xuất khẩu ngay, vì vậy, người trồng lúa ở Thái Lan có lãi khá cao. Còn ở ĐBSCL vào đầu vụ sản xuất thì giá cả vật tư đầu vào tăng, nhưng đến khi thu hoạch thì giá lúa lại thấp. Người nông dân, nhất là dân nghèo, quanh năm chỉ dựa vào 2 vụ lúa nên phải bán lúa ngay sau thu hoạch để trang trải cuộc sống. Mặt khác, do cần vốn để tái đầu tư, nên dù giá lúa thấp, người nông dân vẫn phải bán. Chúng tôi đề nghị, khi giá lúa thị trường thấp hơn giá sàn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân. Như vậy thì người dân mới đảm bảo lãi 30% như chủ trương của Chính phủ”. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bá Cường, Chính phủ, các bộ ngành cần tính toán kỹ lưỡng giá thành sản xuất lúa để ban hành giá sàn thích hợp. Bởi vì ở ĐBSCL mỗi tỉnh, mỗi huyện có điều kiện địa lý, thổ nhưỡng khác nhau, nên mức đầu tư đầu vào khác nhau. Điều kiện sản xuất càng khó khăn thì mức đầu tư cao, nhưng năng suất thấp, do vậy cần đánh giá cụ thể từng vùng để đưa ra mức giá sàn phù hợp, đảm bảo người trồng lúa có lãi và ổn định cuộc sống”...

Việc liên kết “bốn nhà” trong sản xuất hiện nay chưa chặt chẽ cũng được bàn thảo. Một doanh nghiệp ví von: “Bốn nhà” hiện nay “nhà ai người nấy ở” chứ chưa có sự liên kết, ràng buộc với nhau trong việc sản xuất, thu mua, hỗ trợ vốn, kỹ thuật... Ngoài ra, theo tính toán của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, do khâu sau thu hoạch không đảm bảo, nông dân mất trắng khoảng 300 đồng/kg lúa. Mặt khác, muốn các doanh nghiệp lớn mua lúa trực tiếp của nông dân thì nhất thiết phải đầu tư hệ thống giao thông thuận lợi để các doanh nghiệp đưa phương tiện vào vận chuyển lúa, trong khi nhiều địa phương ở ĐBSCL còn hạn chế về vấn đề này...

Làm thế nào để người trồng lúa có lãi, nâng cao thu nhập, ổn định được cuộc sống, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là trăn trở của lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL, cũng như của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Vấn đề này còn nhiều việc cần phải tiếp tục nghiên cứu, bàn luận. Với nỗ lực giám sát, đi tìm nguyên nhân, ghi nhận các giải pháp khả thi của Quốc hội, hy vọng tới đây, những khó khăn, bức xúc của cử tri trồng lúa sẽ được Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm, kịp thời tháo gỡ, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giúp người trồng lúa có lãi, ổn định được cuộc sống.

Bài, ảnh: QUANG THỤY

Chia sẻ bài viết