07/04/2020 - 09:33

Làm ăn có lựa chọn 

Liên kết nâng cao chuỗi giá trị xoài ở Công ty công nghệ thực phẩm Việt Đức, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Covid -19 khiến mọi dự định bị đảo lộn, chưa biết diễn biến thị trường sẽ như thế nào nhưng kỹ sư Trương Hoàng Khen, Giám đốc công nghệ của Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp GAPFOOD (Gafoco), cứ tiếp tục công việc với măng tây, bắp non, chanh không hột… vì dịch bệnh hay không thì việc cần mình cứ làm, loại nào có lợi cho sức khỏe thì trồng.

►Trung tâm liên kết

Chanh không hột, măng tây, rau mùi… ngay trong thời điểm này cung đủ cho người tiêu dùng là tốt rồi, kỹ sư Trương Hoàng Khen tự tin nói về quy trình sản xuất khép kín theo chuẩn an toàn.

Rất nhiều cuộc liên kết, hội thảo, ký kết MoU, hứa hẹn, phát biểu chụp hình, quay phim, truyền thông không tiếc lời…nhưng khi hàng hóa khê đọng, các đối tác mạnh ai nấy lo, im hơi lặng tiếng. Lúc dịch bệnh hoành hành, điện thoại…ò í e!

Có ai đó nói với Khen rằng Gafoco nên thắt chặt liên kết khi anh đang ở đầu chuỗi cung ứng và để tự mình có đủ năng lực thương mại trực tiếp, anh phải đầu tư lớn và mất nhiều công sức. May mắn thay, phía bên kia, Công ty Đại Thuận Thiên đồng ý kết nối với Gafoco thúc đẩy sản xuất kinh doanh mặt hàng chanh không hột. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu thương thảo với chanh không hột trong khi anh còn măng tây, bắp non, rau mùi…

Liên kết chuỗi yếu ớt khiến nguồn lực tham gia chuỗi toàn cầu bị giới hạn. Việt Nam chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp được xem là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu... theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quy mô nhỏ bé, trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực về lượng và chất "mong manh dễ vỡ", không thấy dấu vết ứng dụng công nghệ "trên mây"… Mối liên kết B2B theo hình mẫu làm ăn với Trung Quốc không mang lại kết quả như mong muốn, thực tế đang cần hệ sinh thái phát triển. Cần hình mẫu khác thay thế.

Mô hình Trung tâm chế biến- giao dịch đang được kỳ vọng kết nối nhà sản xuất- nhà phân phối và tiêu dùng nông sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), điểm khác biệt đầu tiên là các sản phẩm đầu vào Trung tâm sẽ được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đảm bảo chất lượng, phân loại và đóng gói sản phẩm theo các tiêu chuẩn, số lượng, những quy định trong giao dịch. Tại đây sẽ đấu giá công khai hàng hóa trực tuyến.

Không giống mẫu thiết kế chợ nông sản, chợ đầu mối trước đây, trung tâm theo kiểu mới sẽ là nơi cung cấp thông tin thị trường, "chạy" chương trình trên nền tảng kỹ thuật số giúp các tác nhân tiếp cận nhiều thị trường, hoạt động logistics, thương mại điện tử xuyên biên giới… Có quá xa vời khi nói về ý tưởng này không?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Nhà nước tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp triển khai mô hình này nhằm tăng hiệu quả của các chuỗi cung ứng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần định hình lại thị trường nông sản Việt Nam, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng cũng như người kinh doanh về các vấn đề môi trường… Quan trọng hơn hết là nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

►Sự chuyển động từ khu vực tư

Đang có sự chuyển động nâng vai trò của nhà đầu tư tổ hợp chế biến tạo ra giá trị tăng thêm, thúc đẩy nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ mới khi vận hành trung tâm chuyển đổi chứ không phải là những dự án chung chung với quá nhiều mục tiêu bất khả thi.

Có nhiều khác biệt hơn nữa so những dự án chợ đầu mối chuyên doanh, chợ đầu mối thương mại quốc gia từng được thiết kế ở vùng ĐBSCL. Cách đây 10 năm, các trung tâm giao dịch tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL được kỳ vọng chuyển đổi thực trạng sản xuất- tiêu thụ nông sản. Ít nhất 13 chợ đầu mối nông thủy sản đã định hình từ năm 2001.

Tại xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè, Tiền Giang), Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia (TMTCQG) được xây dựng ven quốc lộ 1A, rộng hơn 12ha, vốn đầu tư 97 tỉ đồng. Khu nhà hàng, siêu thị bán lẻ trái cây và trạm dừng rộng 7.000m2, quá lý tưởng. Nhưng chành vựa, nhà vườn không đưa hàng vào mua bán, trung tâm vắng hoe. Siêu thị bán lẻ trái cây biến thành siêu thị mắm bất đắc dĩ và trở thành trạm dừng Phương Trang… Dự án trung tâm đầu mối trái cây tại xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An cũng cặp quốc lộ 1A, cũng lặng lẽ, nhưng chưa có ai phân tích vì sao mục tiêu tốt đẹp lại không thể tồn tại?!

Vất vả tìm chuỗi liên kết. Ảnh: Ch.L

Chợ đầu mối lúa gạo tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, rộng gần 77.500m2, có sân phơi, kho chứa (22.000 tấn), thiết bị sấy, chế biến gạo, nhà lồng, khu dịch vụ... với  lượng lúa gạo giao dịch trên 110.000 tấn/năm, nhưng từ khi khánh thành (vụ đông xuân 2005-2006) đến nay vẫn lặng lẽ, đìu hiu. Chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp ở xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) được xây dựng trên diện tích 5ha với vốn đầu tư 18 tỉ đồng, nhưng nội dung kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, khu tư vấn- hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân không thực hiện được, nhà lồng trung tâm được chia nhỏ thành lô sạp bán tạp hóa thay vì bán sỉ trái cây, bán lẻ trái cây phục vụ khách du lịch... Tại chợ không có không gian thông tin nào hỗ trợ cho nhà vườn, chành vựa biết hành trình sản phẩm, nhu cầu và điều gì xảy ra trên thị trường, ùn ứ ở biên giới như thế nào?

Đồng Tháp đang kỳ vọng vào kiểu đầu tư thực chất hơn. Cuối năm 2019, Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Đồng Tháp đặt tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười do Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (VINASEED) đầu tư giai đoạn I khoảng 350 tỉ đồng. Theo Vinaseed, từ năm 2014-2019, công ty đã dành 1.510 tỉ đồng đầu tư, nghiên cứu và xây dựng hình mẫu trung tâm. Trong đó, 300 tỉ đồng đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, 1.200 tỉ đồng đầu tư cho công nghiệp hóa ngành giống và mở rộng quy mô kinh doanh. Hệ thống dây chuyền công nghệ tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản, công suất chế biến- bảo quản- tồn trữ 100.000 tấn gạo/năm, bảo đảm nguồn cung lúa giống 50.000 tấn giống/năm.

Trên thực tế, Vinaseed có 3 mục tiêu chính khi lập Cty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) và xây dựng trung tâm này: Nghiên cứu chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống cây trồng, tập trung phát triển và cung ứng dòng sản phẩm có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao tỷ lệ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận lên 75% và nâng cao thu nhập của bà con nông dân tăng 30%.

Đối với cây trái, Công ty TNHH Thực Phẩm NFC, Tập đoàn DOVECO, VEGETIGI (TIỀN GIANG), Công ty Thực Phẩm Asuzac (Nhật Bản), LaviFood, Công ty Thực phẩm công nghệ Việt- Đức… đang chứng minh nguồn lực và ý tưởng mới. Nhà máy chế biến rau củ quả như Tanifood, đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver, Mỹ, đang được đánh giá là một trong 5 nhà máy có công nghệ hiện đại bậc nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, đang vận hành theo hướng này.

Dự án Nhà máy chế biến rau quả do Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Gia Lai là tổ hợp chế biến rau quả khép kín, gồm 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa từ trang thiết bị hiện đại của Nhật Bản, Italy, Thụy Điển. Ông Stefano, Tổng giám đốc Công ty nói rõ khi lắp dây chuyền này (Italy) công suất sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên khoảng 20.000 tấn thành phẩm/năm. Chưa kể dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đóng hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Mô hình chợ nông sản thực phẩm, chợ chuyên doanh và các tổ hợp đóng vai trò trung tâm chuyển đổi là sự lựa chọn giữa một bên là nương tựa vào mơ ước vô hạn từ quy hoạch định hướng và một bên là cách làm hiệu quả từ mục tiêu, nguồn lực cụ thể, rõ ràng của doanh nghiệp gắn với thời gian thực.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết