18/10/2009 - 09:11

Lại thêm một thai phụ tử vong do cúm A (H1N1) ở Việt Nam

* Cả nước đã có 10.208 ca dương tính với cúm A (H1N1), 24 ca tử vong
* Chuyên gia WHO: Vi-rút cúm A (H1N1) gây chết người rất nhanh

Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam cho biết đã ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) là một phụ nữ mang thai tại Bình Định, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này ở nước ta lên 24 trường hợp. Đây là thai phụ thứ 5 ở nước ta tử vong do dịch cúm A (H1N1).

Ca tử vong thứ 24 do cúm A (H1N1) là nữ bệnh nhân, 29 tuổi, sinh sống tại xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Bệnh nhân có tiền sử mổ lấy thai 3 lần (lần 1 con tử vong, lần 2 con bị bệnh tim bẩm sinh). Bệnh nhân đang có thai 39 tuần và nuôi con nhỏ 5 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện đa khoa Bồng Sơn, Bình Định. Ngày 10-10-2009, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi toàn thân, được Bệnh viện Bồng Sơn mổ lấy thai. Sau khi mổ 4 ngày bệnh nhân vẫn sốt, ho, khó thở nên chuyển lên Khoa lây Bệnh viện đa khoa Bình Định trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao, được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp độ 2. Bệnh nhân tử vong lúc 17 giờ ngày 15-10-2009. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này dương tính với cúm A (H1N1).

Trong ngày 17-10, nước ta chỉ phát hiện thêm 19 ca dương tính với cúm A (H1N1). Tính đến 17 giờ ngày 17-10, Việt Nam đã ghi nhận 10.208 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), 24 trường hợp tử vong. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo: Phụ nữ có thai là đối tượng nguy cơ cao, nếu có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chữa trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

* Ngày 16-10, các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vi-rút cúm A (H1N1) có những đặc tính khác cúm thông thường, gây tử vong chủ yếu ở lứa tuổi từ nhi đồng đến thanh niên và tốc độ gây chết người là rất nhanh.

Trong nhiều trường hợp, sức khỏe bệnh nhân suy giảm rất nhanh, trong vòng 3 đến 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng của bệnh, nhiều trường hợp bị suy hô hấp chỉ trong vòng 24 giờ, buộc phải dùng máy trợ thở. Khác vi-rút cúm thông thường tấn công đường hô hấp trên, vi-rút A (H1N1) xâm nhập sâu hơn vào đường hô hấp dưới, thậm chí vào phổi. Chuyên gia về cúm WHO Nikki Shindo xác nhận khoảng 30% số ca nhiễm dịch nặng xuất hiện các triệu chứng bội nhiễm.

Đáng chú ý, số trẻ em chết vì cúm ở Mỹ cho đến nay đã lên đến 86 trường hợp, so với 88 trường hợp trong 3 mùa cúm thông thường trước đó. Hầu hết các trường hợp tử vong trong mùa cúm năm nay là do vi-rút A (H1N1) gây ra và thuộc nhóm từ 5 đến 17 tuổi.

Trong khi đó, theo quan chức Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ An-ni Su-chát (Anne Schuchat), số ca tử vong vì cúm nói chung ở Mỹ đã vượt ngưỡng dịch bệnh trong khi dịch cúm đã lan rộng ở 41 trong tổng số 50 bang, hầu hết là cúm A (H1N1). Ở các bang còn lại, tỷ lệ người nhiễm dịch cao hơn mức trung bình. Đây là diễn biến chưa từng có ở Mỹ tại thời điểm này trong các năm trước.

Các bệnh viện ở Nam Bán cầu đều “quá tải” do nhiều bệnh nhân cúm được đưa vào cấp cứu, trong đó không ít trường hợp cần được chăm sóc tích cực. Các kế hoạch sản xuất vắc-xin phòng cúm A (H1N1) có thể bị trì hoãn do trở ngại trong khâu thử nghiệm về liều dùng và độ an toàn. Trong khi đó, các phòng khám nhiều khi có xu hướng chờ xác nhận kết quả xét nghiệm mới cho bệnh nhân sử dụng Tamiflu hoặc Relenza, dẫn đến bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

THANH GIANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết