Nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 2.434 phạm nhân. Điều này tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Vậy nhưng với ý đồ chống phá, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề này.
Để “kêu oan”, “khóc mướn” cho số đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đang chấp hành án phạt tù, các thế lực thù địch dựng nên màn kịch hết sức lố bịch. Họ rêu rao rằng: “Tù chính trị bị phân biệt đối xử trong đặc xá”; vu cáo, xuyên tạc “Việt Nam đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm”; “Việt Nam từ chối thả tù nhân chính trị”, dựng chuyện một số “tù nhân chính trị” tuyệt thực… Từ đó họ vu cáo, ở Việt Nam, “tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm” bị phân biệt đối xử, không có cơ hội được đặc xá, giảm án! Đây là những luận điệu xuyên tạc, sai trái mà các thế lực thù địch, phản động lặp đi lặp lại nhiều lần khi Việt Nam tiến hành đặc xá.
Lâu nay, các thế lực xấu vẫn dùng đi dùng lại cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” để chống phá Việt Nam. Họ cố tình lắp ghép, pha trộn ngôn từ một cách gượng gạo, dùng từ ngữ thuộc phạm trù đạo đức để ghép vào thuật ngữ pháp lý: “tù nhân” gắn với “lương tâm”! Đây là cách tư duy ngụy tạo không khác gì một màn kịch với đạo diễn là các thế lực thù địch, tổ chức, hội nhóm phản động và các diễn viên là “tù nhân lương tâm”.
Trại giam Xuân Hà (Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hoàn tất các thủ tục cho những người đủ điều kiện đặc xá để trở về đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Thực tế cho thấy, trong nền tư pháp Việt Nam không có thuật ngữ “tù nhân lương tâm”. Cái gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là một chiêu trò nhằm cổ súy các đối tượng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta Ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những đối tượng phạm tội bị xét xử theo tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự. Không có khái niệm công dân bị xét xử vì “lương tâm”. Việc giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, kết án đối với những đối tượng phạm tội được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật với tội danh, điều khoản rõ ràng.
Việc đặc xá hằng năm đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, trở về đoàn tụ với gia đình và hòa nhập cộng đồng. Quyết định đặc xá năm nay của Chủ tịch nước tiếp tục phản ánh rõ sự ưu tiên, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội mới đối với những người đã từng lầm lỡ, lạc đường nay đã ăn năn hối cải và có kết quả cải tạo tốt. Những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài cũng được đối xử bình đẳng như các phạm nhân có quốc tịch Việt Nam trong đợt đặc xá lần này nếu đủ điều kiện.
Quyết định cũng quy định rõ 15 trường hợp không được đề nghị đặc xá trong đợt này. Trong đó, những người phạm tội giết người có tổ chức, tính chất côn đồ, thực hiện tội phạm một cách man rợ, hiếp dâm trẻ em, mua bán người dưới 16 tuổi, cướp tài sản có hung khí, cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng… thì không được xét đặc xá. Đồng thời, không xét đặc xá với những người bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ, tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự. Những tội này đều có chung đặc điểm là chủ thể đều có mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm phạm tới những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt, đó là mối quan hệ của công dân với Nhà nước, rộng hơn là Tổ quốc. Những người đang chấp hành án về các tội danh này không được xét đặc xá trong đợt Quốc khánh 2/9 vừa qua, quy định này được thể hiện cụ thể, rõ ràng chứ không có gì mập mờ và không thể đánh tráo những phạm nhân chấp hành án về tội danh xâm phạm an ninh quốc gia sang khái niệm “tù nhân lương tâm”!
Bên cạnh đó, nhân quyền là vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo góc độ tiếp cận, quan điểm chính trị, lợi ích giai cấp. Bởi vậy, quan niệm về vấn đề này không có sự thống nhất giữa các quốc gia. Tôn trọng, bảo đảm, phát huy, thúc đẩy quyền con người không phải để quyền đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của quốc gia, cá nhân, tổ chức.
Quyền con người không phải là quyền tự do cá nhân tuyệt đối, càng không thể nhân danh quyền con người để chống lại nhà nước, chống lại xã hội, chống lại lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thực tế, không quốc gia nào có thể đưa ra những quy định dung dưỡng phần tử chống đối, những người tìm mọi cách lật đổ thể chế chính trị ở quốc gia đó. Ngược lại, mọi hành vi chống chính quyền, lật đổ chính quyền, phản bội Tổ quốc, gây hại cho quốc gia, dân tộc, xâm phạm tới lợi ích của nhân dân thì các nước trên thế giới đều xử lý nghiêm minh nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia đó, đảm bảo sự phát triển chung.
Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng mở rộng dân chủ XHCN, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) đã chỉ rõ việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”; “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”…
Đức trị và pháp trị thể hiện rõ nét trong quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ.
Đạo đức và pháp luật gắn kết chặt chẽ với nhau. Nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm chuẩn mực đạo đức, đó là lòng trung thành của công dân đối với Tổ quốc, vấn đề đã được nêu rõ tại Điều 44, Hiến pháp 2013: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.
Thực tế, Nhà nước ta đã từng tha tù trước thời hạn cho một số đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia nhưng sau khi bước ra khỏi nhà tù thì đã có những đối tượng “trở mặt”, không lấy sự khoan hồng đó để ăn năn, hối cải, làm những việc có ích cho cộng đồng xã hội mà lại tiếp tục nuôi dưỡng tư tưởng thù địch, tỏ thái độ và hành động chống phá quyết liệt hơn. Thật khó chấp nhận những kẻ không biết hoàn lương, luôn tìm mọi cách phủ nhận, chống phá, phản bội Tổ quốc, chà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, dù không được xét đặc xá trong đợt này song những người phạm các tội danh nói trên, nếu quá trình cải tạo, chấp hành tốt thì cũng sẽ được giảm án theo quy định của pháp luật chứ không phải là phân biệt, “bịt” lối về!
Việc xem xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan. Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định ở nhiều cấp,với sự tham gia của ban ngành chức năng, đặc biệt là sự giám sát của Viện Kiểm sát cũng như của các tổ chức, nhân dân, tránh việc sót lọt và tiêu cực. Bên cạnh đó, xem xét đặc xá cho những người quốc tịch nước ngoài trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thực tiễn đó chứng minh rõ, hoàn toàn không có khái niệm “tù nhân lương tâm” hay “ngược đãi tù nhân lương tâm”, xuyên tạc, bôi lem chính sách đặc xá như một số luận điệu rêu rao.
Đại Thắng – Văn Tiến (Báo Công an Nhân dân)