08/12/2019 - 09:03

Lạ lùng với luật bất thành văn... 

Mới chỉ qua một tuần vào cuộc thi đấu SEA Games 30, chủ nhà Philippines đã tăng tốc khủng khiếp với những “cơn mưa vàng”, gây ngỡ ngàng cho các đối thủ. 2 năm trước, thể thao Philippines chỉ giành 24 HCV chung cuộc, đứng hạng 6 khi SEA Games 29 được tổ chức ở Malaysia. Bây giờ chỉ sau vài ngày trên sân nhà, họ đoạt gấp ba lần con số này.

Chiếc HCV và HCĐ nội dung bơi 1.500 mét danh giá của Huy Hoàng (giữa, hàng sau) và Kim Sơn (phải, hàng sau). Ảnh: ANH HUY

Không phải làng thể thao Philippines mới có 2 năm đã mạnh hơn hẳn so với các đối thủ và chính họ. Vấn đề là luật bất thành văn suốt mấy chục năm qua, cứ hễ quốc gia nào đăng cai SEA Games, thì gần như nắm chắc trong tay hạng Nhất toàn đoàn.

Cách đây 14 năm, Philippines từng tổ chức SEA Games 23 trên sân nhà thì nghiễm nhiên họ vô địch khi giành đến 113 HCV, cao hơn hẳn Thái Lan hạng nhì, chỉ có 87 HCV.

Cũng không phải tự nhiên Philippines giờ chót thay thế Brunei đăng cai SEA Games 30, dù công tác hậu cần và năng lực tổ chức chưa sẵn sàng một cách chu đáo. Ví như tình trạng đưa đón các đoàn khách, bố trí nơi đóng quân, sân tập, ăn uống… rất luộm thuộm. Hay khi kết thúc nhiều môn thi đấu, chủ nhà Philippines không có quốc kỳ các nước để thực hiện nghi thức kéo cờ như thường lệ.

Chợt nhớ đến làng thể thao Việt Nam trong các kỳ SEA Games thường xếp hạng Ba toàn đoàn, có một vài năm nhảy lên hạng Nhì, sau Thái Lan. Còn ở kỳ SEA Games 2003 trên sân nhà vẫn giống các nước đăng cai khác, Việt Nam lên ngôi số một.

Gọi đấy là cái luật bất thành văn của giải đấu SEA Games, hay lệ làng Đông Nam Á cũng không sai, khi mà các quốc gia không thể phản đối hay trách cứ lẫn nhau, đặc biệt là ngại làm mất lòng chủ nhà. Đơn cử như ở giải năm nay, Philippines tổ chức đến 56 môn, nhiều nhất trong lịch sử, cùng tuyên bố sẽ giành 274 HCV để giành ngôi nhất toàn đoàn. Thật lạ là các đội khách cũng chẳng phản ứng.

Dĩ nhiên, Philippines có quyền đưa những môn thể thao “lạ” vào cuộc chơi, miễn sao có thêm ba quốc gia khác đồng ý. Thậm chí ở nội dung Water Polo (bóng nước) chỉ có ba đội tham gia, ban tổ chức đành trao HCV và HCB cho hai đội nhất nhì, không trao HCĐ cho đội thứ ba, với dụng ý rất nghiêm túc là không phải cứ đăng ký chơi là lấy huy chương (!).

Rất hiếm hoi có quốc gia đăng cai SEA Games dũng cảm và thành thật như Singapore năm 2015, chỉ chọn những môn thể thao nằm trong hệ thống Olympic hoặc theo quy chuẩn của các Đại hội thể thao châu Á. Hy vọng SEA Games mùa sau, nước chủ nhà Việt Nam sẽ mạnh mẽ loại bỏ những môn thể thao “lạ” theo kiểu “tận thu vàng”!

ĐĂNG HUY

Chia sẻ bài viết