09/04/2015 - 14:08

“BẢY BƯỚC TỚI MÙA HȔ

Ký ức tuổi thơ tươi đẹp

Ra mắt tháng 3- 2015, truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Bảy bước tới mùa hè” (NXB Trẻ) tiếp tục đưa người đọc đến với thế giới tuổi thơ hồn nhiên, nghịch ngợm, xen lẫn những xao xuyến bâng khuâng của tuổi mới lớn. Ngay đợt phát hành đầu tiên, sách đã được in trên 50.000 bản và nằm trong số những cuốn sách bán chạy nhất tháng 3.

Trong những lần giao lưu, ký tặng sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Bảy bước tới mùa hè” được gợi lên từ câu chuyện về những người bạn, những người hàng xóm và những kỷ niệm tuổi thơ của tôi ở quê ngoại. Dưới ngòi bút hóm hỉnh của nhà văn, những câu chuyện bình dị ấy trở nên hấp dẫn, gần gũi...

 Bìa sách “Bảy bước tới mùa hè”.

Chuyện kể về những mùa hè của Khoa ở quê ngoại. Ngoài bắn chim, tắm sông và vô số những trò nghịch ngợm khác, Khoa cùng đám bạn trong làng thường lấy trò bắt nạt con gái để chứng tỏ bản lĩnh với nhau. Nạn nhân của Khoa là Trang, cô bé hàng xóm hiền lành, nhút nhát. Cho đến kỳ nghỉ hè năm lớp 9, Khoa về quê chơi và bất ngờ nhận ra cô bé Trang gầy gò đen đúa năm nào giờ đã phổng phao, xinh đẹp hẳn lên. Kể từ đó, tâm hồn của cậu bị xao động theo từng dáng đi, ánh mắt và nụ cười của cô bé. Đồng hành với Khoa là Mừng, cậu bạn chí cốt trong những trò nghịch ngợm. Cả hai lại có chung nỗi đồng cảm khi Mừng cũng bắt đầu để ý đến nhỏ Đào trong xóm. Khoa và Mừng nghĩ đủ trò để làm thân với Trang và Đào, gây nên những tình huống dở khóc, dở cười…

Cũng viết về tuổi thơ nhưng “Bảy bước tới mùa hè” có những điểm khác biệt so với các tác phẩm trước của Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện đơn thuần là những ký ức tuổi thơ ngọt ngào, trong veo, không lồng ghép những suy tư, trải nghiệm của người lớn như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… Ở “Bảy bước tới mùa hè”, các nhân vật được kể dưới cái nhìn khách quan. Người đọc thường xuyên tủm tỉm cười theo từng diễn biến ngộ nghĩnh và những câu thoại ngu ngơ, hài hước đúng chất Nguyễn Nhật Ánh. Nhân vật trong truyện có sự thay đổi tích cực từ tính tình đến nhận thức qua những tình tiết đơn giản nhưng ý nghĩa. Mừng là một ví dụ điển hình. Ban đầu, Mừng giúp ông ngoại của Đào đi chơi chỉ vì muốn Đào để ý nhưng càng ngày, cậu giúp ông vì thật lòng, vì thương ông già yếu đi lại khó khăn. Mừng bỏ học vì cha mẹ mất sớm, bà nội già yếu và cũng vì lười nhưng trước những lời khuyên của ông ngoại Đào và những việc làm ý nghĩa của ông, cậu quyết tâm sẽ đi trở học lại…

Bên cạnh đó, tình thầy trò và những rung cảm đầu đời cũng là dấu ấn tạo nên sức cuốn hút của câu chuyện. Người đọc cứ thắc mắc tại sao thầy Tám khó tính, nghiêm khắc bỗng nhiên trở nên hiền từ, bao dung, tận tâm với học trò như vậy, đặc biệt là với Khoa – người đã nhiều lần chọc giận thầy. Để rồi đến cuối truyện, khi hiểu rõ nguyên nhân, người đọc ồ lên thích thú. Những tình huống Mừng và Khoa tìm cách bày tỏ tình cảm khiến người đọc không nhịn được cười…

Trong sáng, hồn nhiên, lãng mạn và hài hước, “Bảy bước tới mùa hè” dẫn dắt người đọc trưởng thành theo nhân vật, hòa cùng những cảm xúc rưng rưng của tuổi mới lớn. Kết thúc truyện bằng hình ảnh tượng trưng: chỉ 7 bước sẽ tới mùa hè như mong đợi của Khoa, tác giả cũng muốn gửi đi một thông điệp: hãy nuôi dưỡng ước mơ, tình cảm trong sáng, điều tốt đẹp sẽ nhanh chóng đến với bạn.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết