31/07/2010 - 20:22

Xem trưng bày chuyên đề “cổ vật, di vật Việt Nam qua tiến trình giao lưu văn hóa”

Ký ức ngàn năm

Có dịp tham quan trưng bày chuyên đề “Cổ vật, di vật Việt Nam qua tiến trình giao lưu văn hóa” do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Cộng đồng Di sản Việt, Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam và CLB sưu tập cổ vật Cần Thơ phối hợp thực hiện, mỗi người chúng ta càng thêm tự hào vì những tinh hoa trong văn hóa Việt.

Các cổ vật, di vật được Ban tổ chức sắp xếp ngăn nắp và đẹp mắt. Chuyên đề giới thiệu hơn 600 hiện vật của các nền văn hóa đã từng thịnh vượng ở Việt Nam như: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm-Pa hay Đại Việt và một nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Triều Tiên... gồm: các tượng, vật thờ, đồ dùng trong sinh hoạt cá nhân và cộng đồng, đồ trang sức, binh khí.... bằng nhiều chất liệu khác nhau: vàng, bạc, đồng, đá... Các di vật, cổ vật này đã cho thấy tính đa dạng, phong phú và giá trị nghệ thuật đặc thù tiêu biểu cho mỗi thời kỳ văn hóa trong dòng chảy văn hóa Việt.

Với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam tự hào là một quốc gia có bề dày văn hóa lâu đời và phong phú. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác trên thế giới từ ngàn xưa, văn hóa Việt Nam tiếp thu cái đặc sắc đã định hình, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Người xưa đã tiếp thu có chọn lọc những nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới và sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới.

Khu trưng bày gốm, sứ. 

Cuộc trưng bày chuyên đề này chia các di vật, cổ vật theo từng dòng văn hóa khác nhau, trải dài cả ba miền đất nước. Nhiều người thích thú thưởng lãm những hiện vật như: dao găm, mũi tên, lẫy nỏ, mũi giáo, đồ trang sức... đặc biệt là trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn. Chiếc trống đồng lớn có niên đại hơn 2.500 năm có nhiều họa tiết tinh xảo, nổi bật hình ảnh chim lạc - biểu trưng của văn hóa Đông Sơn. Trống được đặt ngay trung tâm của khu trưng bày được nhiều người xem chú ý, bình phẩm. Kế thừa và phát huy những thành tựu của văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, văn hóa Đông Sơn đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận mà đến nay nó đã trở thành biểu tượng của văn hóa, văn minh người Việt. Thành tựu to lớn của nền văn hóa Đông Sơn là công nghệ đúc đồng với đầy đủ các nhóm hiện vật: binh khí, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt... mà đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu, sưu tầm đánh giá là có tính năng sử dụng tốt và tính mỹ thuật cao.

Văn hóa Chăm-Pa ở vùng Nam Trung bộ với những ngôi tháp Chăm bằng đá và đất nung uy nghi, bền vững với thời gian với nét kiến trúc độc đáo. Tiếp thu và kế thừa sự thăng hoa của nền văn hóa Sa Huỳnh (cách nay hơn 2.000 năm) và văn hóa Ấn Độ, cư dân Chăm-Pa cổ đại đã sáng tạo nên một nền văn hóa độc đáo, thể hiện nét đặc trưng của bản địa. Hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 17, văn hóa Chăm-Pa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng mà nổi bật là nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Chuyên đề giới thiệu những mảng phù điêu và đồ trang sức được chạm khắc với những đường nét tinh tế, sinh động. Phong phú nhất trong các hiện vật trưng bày trong chuyên đề của dòng văn hóa này là các khối hình Linga - Yoni - đặc trưng cho tín ngưỡng phồn thực mang đậm tính nhân văn ở Việt Nam.

Dù gọi vùng đất Nam bộ là “vùng đất mới” nhưng những hiện vật như: khuyên tai, vật dụng sinh hoạt, tượng thờ cúng... phong phú bằng đủ các chất liệu đồng, đá, gốm, vàng... của nền văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 7) được trưng bày tại chuyên đề lần này đã khẳng định bề dày lịch sử của vùng đất này. Những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được phát hiện khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đặc biệt, nhiều hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo được khai quật tại khu bưng Đá Nổi, lung Cột Cầu của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Nền văn hóa Óc Eo còn đánh dấu sự giao lưu với các nền văn hóa lớn lúc bấy giờ: Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp... thể hiện trên các họa văn, họa tiết. Điển hình như mặt dây đeo bằng thạch anh sáng lấp lánh (niên đại được xác định từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 6) rất tinh xảo, khéo léo và trong ruột là hình một vị thần, dáng vẻ rất giống phương Tây nhưng nét họa lại mang đậm nét văn hóa của cư dân Óc Eo cổ đại.

Một điểm nhấn của chuyên đề là khu trưng bày gốm, sứ là những sản phẩm gốm, gốm tráng men ở những làng nghề Nam bộ: Biên Hòa, Lái Thiêu... Những tác phẩm “Tượng Lý Bạch” bằng gốm nhiều màu Biên Hòa, chén, tô, thố bằng gốm Lái Thiêu có màu sắc tươi tắn, sinh động, hoa văn mang đậm phong cách văn hóa của cư dân Nam bộ xưa và chịu ảnh hưởng họa tiết ký họa gốm Trung Hoa.

600 cổ vật, di vật biểu thị cho các nền văn hóa khác nhau đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ hàng ngàn năm qua với đủ các góc độ: tín ngưỡng, sinh hoạt đời thường, vũ khí chiến đấu... Dù những nền văn hóa này đã bị suy vong song theo thời gian và những cuộc chiến tranh liên miên những giá trị, di vật mà nó để lại đã góp phần tô điểm thêm cho đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, minh chứng cho sự đa dạng, phong phú và sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt. Mỗi cổ vật, di vật ấy không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện tài hoa, tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân xưa mà nó còn giúp chúng ta thông qua đó hiểu thêm về quá trình giao lưu văn hóa giữa các nền văn hóa ở Việt Nam và với các nước trên thế giới trong quá trình hình thành đất nước Việt Nam.

Thời gian gần một tháng rưỡi (từ ngày 7-7 đến 22-8-2010) trưng bày cổ vật, di vật là dịp để người dân Cần Thơ đến chiêm ngưỡng, thưởng lãm những tinh hoa của người xưa còn lại. Từng cổ vật, di vật giúp người Việt Nam thêm yêu, thêm tự hào về một nền văn hóa Việt phong phú, lâu đời và đậm tính nhân văn để mỗi người trong chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển vốn quý ấy của cha ông.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết