28/01/2021 - 08:03

Kỷ nguyên mới của thanh toán không dùng tiền mặt 

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang mua bán trực tuyến nhiều hơn. Vì thế, các hình thức thanh toán không tiếp xúc cũng trong xu thế phát triển mới.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt 

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) bao gồm các hình thức giao dịch điện tử liên ngân hàng, các loại thẻ tín dụng, thiết bị kết nối Internet (IoT), ví điện tử, ứng dụng di động… TTKDTM là xu thế giao dịch tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Theo dữ liệu nghiên cứu được công bố bởi trang web tài chính Sijoitusrahastot của Phần Lan, thị trường TTKDTM toàn cầu đã tăng gần 24% trong năm 2020, lên 4,9 ngàn tỉ USD. 

Báo cáo cho thấy, thị trường thanh toán kỹ thuật số toàn cầu đã tăng 21% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các chuyên gia cũng dự đoán tổng giá trị giao dịch của thị trường sẽ tăng 23,7%, đạt 4,93 ngàn tỉ USD trong năm 2021 và số lượng người dùng mới sẽ tăng 10,1%, đạt giá trị giao dịch 3,47 tỉ USD.

Riêng tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11-2020, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỉ đồng. 

Hiện nay, ở Việt Nam có 9 hệ thống TTKDTM chính, gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS); hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại; các hệ thống thanh toán song phương; hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB - Money; hệ thống thanh toán chứng khoán do BIDV quản lý, vận hành; hệ thống thanh toán thẻ; hệ thống thanh toán qua Internet và điện thoại di động và hệ thống SWIFT.

Cuộc cách mạng tiền tệ

Trong năm ngoái, người tiêu dùng đã phải điều chỉnh từ thanh toán bằng ví điện tử sang thanh toán tự động thông qua ứng dụng. Giờ đây, người tiêu dùng có thêm trải nghiệm các cơ sở hạ tầng thanh toán khác, đó là Internet vạn vật (IoT), giúp các thiết bị thông minh và thiết bị đeo có thể hoàn thành việc mua hàng. Theo Vince Graziani, Giám đốc điều hành IDEX Biometrics có trụ sở tại Boston, những khoản thanh toán thông qua thiết bị IoT (còn gọi là thanh toán vô hình) sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Việc sử dụng ngày càng tăng của thanh toán không tiếp xúc kết hợp với các hình thức thanh toán kỹ thuật số khác sẽ thúc đẩy chuyển đổi triệt để sang nền kinh tế không dùng tiền mặt.

TTKDTM cũng thúc đẩy các ngân hàng đưa dịch vụ chất lượng cao tham gia vào hệ thống thanh toán, như cung cấp một phương thức thanh toán an toàn và nhanh chóng để người tiêu dùng mua sản phẩm hoặc dịch vụ bằng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ thông minh hoặc các thiết bị thanh toán khác. 

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Các giải pháp và công nghệ phục vụ TTKDTM đang được các tổ chức đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Công nghệ phần lớn liên quan đến việc nhận dạng, xác minh đối tượng tham gia và bảo đảm tiện ích, chính xác. Các công nghệ đang phát triển hiện nay là tần số vô tuyến (RFID), giao tiếp trường gần (NFC), mã phản hồi (QR code) và sinh trắc học (dấu vân tay và mống mắt).

Giải pháp là làm sao để người tiêu dùng có thể chạm vào thẻ thanh toán hoặc thiết bị IoT là hoàn thành việc thanh toán. 

Theo Vince Graziani, Giám đốc điều hành IDEX Biometrics, công nghệ sinh trắc học sẽ không thể thiếu trong giải pháp nhận dạng kỹ thuật số cho TTKDTM. Ðây là giải pháp an toàn và bảo mật.

Các chuyên gia cũng coi tùy chọn thanh toán với công nghệ sinh trắc học như một hệ thống hợp nhất tiền “tất cả trong một”. Ðiều này bao gồm các tiện ích được kết nối với mạng IoT, giúp các thiết bị thông minh có thể hoàn tất việc mua hàng.

Ngoài ra, ứng dụng cũng là một yếu tố quan trọng. Các giao dịch được xử lý bởi các ứng dụng di động có thương hiệu có khả năng che giấu thông tin ngân hàng và tiện lợi. Tất cả những gì bạn cần để thanh toán là nhấn ngón tay vào một nút trong ứng dụng. Người dùng không phải nhập bất kỳ thông tin gì trên thiết bị.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử đang tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ với khả năng thanh toán theo thời gian thực, xử lý giao dịch đa kênh, đa phương tiện đang được thử nghiệm để đưa vào vận hành chính thức phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ cũng như thanh toán các dịch vụ tiện ích.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đại dịch COVID-19 hoành hành và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, đã tạo hiệu ứng thúc đẩy TTKDTM sang một kỷ nguyên mới. Và mọi người, dù muốn hay không, cũng hãy trong tâm thế sẵn sàng đón nhận nó.

HOÀNG THY (Theo E-commerce Times, tapchitaichinh.vn)

Chia sẻ bài viết