25/10/2017 - 22:27

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Trình, báo cáo thẩm tra và cho ý kiến 3 dự án luật

* Miễn nhiệm hai “Tư lệnh ngành”

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, chiều 25-10, Quốc hội đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu là những thành viên Chính phủ đã rất nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quốc hội mong rằng trên cương vị mới là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, hai ông Trương Quang Nghĩa và Phan Văn Sáu sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Quốc hội đã thảo luận ở Đoàn về nội dung này. Dự kiến trong phiên họp sáng 26-10, Quốc hội sẽ nghe kết quả thảo luận tại Đoàn và tiến hành bỏ phiếu kín phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cũng trong chiều 25-10, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra hai dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật mới chỉ điều chỉnh được các loại thông tin thuộc bí mật nhà nước tồn tại dưới các hình thức vật chất cụ thể, không bao hàm hết được các loại thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước tồn tại dưới các hình thức khác. Ngoài ra, còn có ý kiến đóng góp về tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; về giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước;…

Cơ bản tán thành với dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng an ninh mạng là lĩnh vực mới nên cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để có căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Đa số các đại biểu tán thành với việc thông qua dự án Luật Quy hoạch tại Kỳ họp lần này để chuẩn bị cho Chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của các Luật liên quan; hạn chế các nội dung giao Chính phủ quy định để tránh việc ban hành xong Luật vẫn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Đồng thời, các đại biểu góp ý về: quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian từ mặt đất, quy hoạch hàng không dân dụng, hàng không vũ trụ…; về việc tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, thành lập Hội đồng và quyết định phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; tăng cường thứ bậc trong hệ thống quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ, ''lợi ích nhóm'' trong công tác quy hoạch; về chi phí cho hoạt động quy hoạch; thời kỳ quy hoạch...

Chia sẻ bài viết