09/02/2011 - 14:19

Kinh hoàng công nghệ sản xuất rượu

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Cần Thơ, do thanh tra Sở Y tế chủ trì, đã kiểm tra 4 cơ sở chuyên sản xuất, chế biến rượu. Qua kiểm tra, thực tế sản xuất rượu hiện nay rất đáng lo ngại…

* Cồn thực phẩm+ hương liệu = rượu

Theo lý thuyết, rượu được làm từ gạo nấu thành cơm, trộn men, ủ lên men rồi đem nấu, chưng cất thành rượu. Nhưng trên thực tế, rất nhiều cơ sở sản xuất rượu theo kiểu công nghiệp. Chẳng hạn như Doanh nghiệp tư nhân L., quận Ninh Kiều, chủ yếu sản xuất rượu bằng cồn thực phẩm và nước. Nếu là rượu chuối thì cơ sở pha thêm chuối hột ngâm. Cơ sở này bán rượu với giá 15.400 đồng/lít. Chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi định nghỉ sản xuất rượu vì không cạnh tranh nổi. Hiện nay, trên thị trường có nhiều người bỏ mối rượu cho các cửa hàng tạp hóa, quán nhậu với giá chỉ vài ngàn đồng/lít”.

Cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra methanol trong rượu.  

Nhiều lò nấu rượu thủ công sử dụng men do các cơ sở men ở tỉnh Vĩnh Long sản xuất. Với những loại men này, có thể dùng trực tiếp gạo, tấm sống ủ cùng men vài ngày là đem nấu lấy rượu. Chủ cơ sở rượu B.L, ở đường Tầm Vu, quận Ninh Kiều, cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng nấu rượu theo kiểu truyền thống. Nhưng bây giờ nấu theo kiểu đó, công nhiều, bán giá cao, người ta không mua nên chúng tôi chuyển sang nấu cách này để giảm giá thành. Vậy mà gần đây đi bỏ mối ở những quán nhậu, tôi còn cạnh tranh không lại vì nhiều người bỏ mối rẻ quá, chỉ vài ngàn đồng/lít, trong khi tôi bán từ 10.000 đến 12.000 đồng/lít”.

Nhiều người khi đến mua rượu, chỉ cần thấy lò rượu sạch sẽ, ngăn nắp, có lò nấu, ủ cơm với men đàng hoàng là yên tâm. Nhưng thực tế, trong quá trình nấu rượu, chủ cơ sở sẵn sàng pha thêm cồn để tăng độ rượu, lời nhiều hơn. Có cơ sở pha cồn trong lúc nấu rượu - gọi là cồn chín, có cơ sở pha cồn trực tiếp với rượu - gọi là cồn sống. Qua kiểm tra, lò nấu rượu của ông T.V.L, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, dùng nước phông tên pha chế rượu, giấy tập huấn ATVSTP hết hạn, cơ sở cũng không trang bị bảo hộ lao động. Trong quá trình nấu rượu, ông L. đã pha cồn để tăng nồng độ rượu. Trên chai cồn không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra lò rượu ông T.V.T, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, đoàn kiểm tra phát hiện cơm (để nấu rượu) nấu xong được đổ trên miếng cao su trên sàn nhà, cạnh sàn nước, phía trên treo lủng lẳng đầy quần áo, trông rất mất vệ sinh. Lò rượu này chủ yếu phục vụ đám tiệc ở quê và lối xóm. Ông T. cho biết: “Hầu hết các quán nhậu đều lấy rượu rất rẻ. Rượu tôi nấu, mỗi nồi chỉ lời 30.000 đồng, giá bán khoảng 12.000 đồng/lít nên họ chê giá cao không lấy”. Ông T. cũng sử dụng nước phông tên pha rượu trong khi đây là nước sinh hoạt, chứ không phải nước uống.

* Cảnh báo rượu ngoại giả

Ông Lê Trung Giang, Phó phòng Nghiệp vụ - tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết: “Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh rượu. Qua đó, đã tịch thu tang vật 90kg men rượu, 40 lít rượu thuốc và 110 chai rượu các loại, xử phạt các cơ sở 29,4 triệu đồng, với hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, nhãn hàng hóa sai quy định, không có giấy phép kinh doanh rượu, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Mọi người cứ nghĩ rượu đắt tiền là tốt. Vì thế thời gian qua, một số đối tượng hám lợi, tổ chức“chế biến” rượu ngoại giả”. Vào 1 giờ ngày 21-1-2011, được quần chúng mật báo, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế, Chức vụ, Ma túy và Môi trường, Công an huyện Phong Điền, phối hợp Công an xã Giai Xuân bất ngờ kiểm tra nhà Đặng Hoàng Thanh, sinh năm 1979, tổ 3, ấp Bình Tân, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Tại đây, công an đã phát hiện 68 chai rượu ngoại giả các nhãn hiệu: Hennessy, Chivas Regal, Remy Martin XO, Scotch Whisky, Martell. Đồng chí Lương Hoàng Tơ, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế, Chức vụ, Ma túy và Môi trường, cho biết: “Qua xác minh ban đầu, đối tượng Đặng Hoàng Thanh khai mua rượu ông già chống gậy (Johnnie Walker) pha với nước màu (nước đường thắng lại ngả màu như màu rượu). Sau đó, bơm hỗn hợp này vào vỏ chai rượu ngoại thật. Tiếp theo, lấy nắp chai thật đậy lại rồi dùng máy sấy, sấy nắp chai cho nóng lên, dùng tay bóp mạnh cho nắp đậy khít vào cổ chai”. Thanh khai nhận từ 1 chai rượu ông già chống gậy, Thanh pha chế được 4 chai rượu giả, bán ra với giá 190.000 đồng/chai. Hiện nay, vụ việc đang được công an huyện Phong Điền xác minh làm rõ.

Theo ông Đàm Hồng Hải, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, rượu nấu theo kiểu thủ công, truyền thống tuy chỉ chưng cất một lần, tạp chất vẫn còn nhưng không đáng lo ngại. Lo ngại nhất là những cơ sở pha chế rượu từ cồn công nghiệp có nhiều tạp chất như ester, furfuraldehyde, methanol - chất cực độc. Theo tiêu chuẩn rượu uống, methanol phải dưới 0,1mg/lít. Một người chỉ cần uống từ 30 - 50ml methanol là có thể bị ngộ độc cấp với triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, co giật, hôn mê, yếu cơ, rối loạn tuần hoàn, suy thận. Nếu uống đến 100-150 ml methanol có thể bị tử vong. Ông Đàm Hồng Hải cảnh báo: “Trong những ngày lễ, Tết, bà con nên hết sức cẩn thận lựa chọn những cơ sở đáng tin cậy để mua rượu. Nếu có uống thì cũng nên uống vừa phải, vì rượu uống nhiều có hại cho sức khỏe”.

Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu, có một thực tế đáng lo ngại là hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều có đăng ký nhưng vẫn vi phạm. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở nấu rượu “chui”, nguy cơ rượu kém chất lượng, không an toàn vệ sinh là rất cao. Nguy hiểm hơn, những loại rượu rẻ tiền vài ngàn đồng/lít, pha chế bằng cồn công nghiệp vẫn tồn tại, chủ yếu cung cấp cho các quán nhậu bình dân. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong năm 2010, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 89 trường hợp bị ngộ độc rượu. Vì thế, người dân cần cẩn trọng trong việc lựa chọn mua và uống rượu, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết