14/05/2016 - 17:03

Kiến trúc đình ở Cần Thơ

Kiến trúc phổ biến của đình ở Cần Thơ đều có những đặc điểm thống nhất trong tổng thể hệ thống kiến trúc của đình Nam Bộ. Đa số đình ở Cần Thơ được xây dựng cao ráo, trên nền đất rộng, gần các con sông lớn. Đó là thế đất tụ thủy- nơi tụ hội tất cả những điều may mắn. Hơn nữa, trước đây đường bộ chưa phát triển, đình được xây cặp các con sông lớn để thuận tiện giao thông. Sau này, khi giao thông đường bộ được hoàn thiện, các ngôi đình lại được xây dựng theo trục lộ. Mặt chính của đình hướng ra con đường xuyên qua làng, vừa tạo được bộ mặt cho làng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực lui tới lễ bái. Trong điều kiện này, một số ngôi đình do bị mất tính chất thuận tiện ban đầu của đường thủy, đã phải thay đổi mặt chính của đình về phía đường bộ(1) như trường hợp đình Bình Thủy.

Cũng như các ngôi đình khác ở Nam Bộ, khuôn viên các ngôi đình ở Cần Thơ có nhiều mảng xanh bao bọc. Đó là những cây lâu năm tạo bóng mát cho đình, cây cảnh, vườn tược xung quanh tạo nên khung cảnh thanh bình, tĩnh mịch nhưng cũng rất đời thường, gần gũi với người dân xung quanh. Mặt khác, mảng xanh ở đình còn được sử dụng như một điểm nhấn cảnh quan nhằm cuốn hút sự chú ý của khách từ xa. Theo tín ngưỡng dân gian, những loại cây trên vừa có thể tạo bóng mát cho người dân trong làng, vừa làm nơi ngự của thần, tạo sự thiêng liêng cho ngôi đình. Với họ, những cây càng gồ ghề, rậm rạp với các rễ buông, nhiều thân thì càng linh thiêng. Những cây thân vút cao, chịu đựng được phong ba, có tác dụng xua đuổi ma quỷ như trong thuyết nhà Phật(2).

Kết cấu của các ngôi đình ở Cần Thơ cũng rất đa dạng, xuất phát từ thực tế địa phương. Đình Bình Thủy, đình Thuận Hưng xây theo kiểu chữ Nhất (・・); đình Thường Thạnh xây theo kiểu chữ Công (・H); đình Thới An xây theo kiểu chữ Quốc (・) … Trên mái nóc đình thường có tượng đôi rồng uốn lượn, chầu mặt trăng, tạo thế Lưỡng long chầu nguyệt; hoặc hai con rồng tranh lấy quả châu, tạo thế Lưỡng long tranh châu. Ngoài ra, trên mái nóc còn có tượng các vị thần Nhật, Nguyệt, hình cá hóa long, bát tiên, kỳ lân, các vật linh, hoa lá muôn màu muôn vẻ rất sinh động. Mái đình thường lợp ngói âm dương, đầu mái có lợp ngói ống màu xanh lưu ly.

Tượng thần tiên được trang trí trên mái nóc đình Bình Thủy.

Từ ngoài đi vào, đơn nguyên kiến trúc đầu tiên là cổng đình. Cổng đình ở Cần Thơ phổ biến là dạng cổng Tam quan. Cổng chính luôn ở giữa và to hơn hai cổng phụ hai bên. Trên cổng này có khi được lợp ngói, phía dưới mái ngói là tấm biển đề tên và địa chỉ của đình. Bước qua cổng vào trong ngôi đình, giữa sân đình là tấm bình phong xây bằng gạch, tạo sự kín đáo cho công trình phía trong, đồng thời đây cũng là nơi để đắp vẽ, trang trí những hình mang ý nghĩa chúc tụng dân làng. Ở đây, tấm bình phong được gọi là bia Ông Hổ. Trên đó có vẽ hay đắp nổi hình hổ với sức mạnh Chúa sơn lâm để canh giữ bảo vệ đình miếu; hoặc cảnh rồng cọp vờn nhau tượng trưng cho sự hòa hợp, mưa thuận gió hòa… Cũng có đình đắp hình long mã chở cuốn thư ở vị trí này nhằm đề cao sự học trong làng.

Ở hai bên tấm bình phong thường có hai hay bốn ngôi miếu nhỏ nằm đối mặt nhau, như: miếu Thần Nông, miếu Ông Hổ, miếu Bà Ngũ Hành, miếu Bà Chúa Xứ. Qua bình phong là đến nhà Võ ca. Võ ca là một kiến trúc đặc biệt chỉ tồn tại ở các đình Nam Bộ. Đây là chỗ tập kết người và nghi trượng phục vụ cúng tế, đồng thời là nơi diễn tuồng hát vào dịp lễ hội ở đình 3).

Sau Võ ca là đến Tiền điện (Võ quy), đây là nơi để cho học trò lễ cúng Thần và là nơi để dân làng tụ họp mỗi khi cúng đình. Kế khu vực Tiền điện là khu vực Chánh điện. Đây là nơi thiêng liêng nhất của ngôi đình- nơi đặt bài vị thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngai thờ Thành Hoàng được đặt chính giữa, trên đó có tấm bảng để chữ Thần. Đây cũng là nơi để cất giữ sắc thần. Hai bên gian thờ Thành Hoàng là bàn thờ của Tả ban và Hữu ban. Trước gian thờ Thành Hoàng thường có hai hàng bát bửu hai bên. Hai bên hông chánh tẩm này còn có bàn thờ của Tiền hiền và Hậu hiền, Trăm quan cựu thần, Tiên sư…

Khu vực Chánh điện luôn cách biệt với khu vực còn lại bằng cánh cửa lúc nào cũng đóng im ỉm, làm theo kiểu thượng song hạ bản, hoặc dạng cửa chấn song, với song gỗ tiết diện vuông hoặc con tiện bên trên, bên dưới thường là đố bản chạm khắc tỉnh xảo. Cửa chấn song (đặc rỗng xen kẽ) vừa thể hiện tính chất âm- dương của văn hóa nhận thức trong văn hóa Việt Nam, vừa góp phần thông gió- thoát nhiệt cho nội thất trong điều kiện khí hậu nóng ẩm Nam Bộ(4). Cửa này chỉ được mở vào những dịp Kỳ yên, sau khi đã làm lễ khai môn xin phép thần. Ngày thường, ông từ phải đi vào bằng cửa phụ bên hông để khói nhang, cúng bái.

Cửa thượng song hạ bản ở khu vực Chính điện đình Thuận Hưng.

Có đình, do diện tích chật hẹp nên khu vực Chánh điện không nằm tách hẳn ra với các khu vực còn lại mà nằm nối liền với với các khu vực khác theo dạng chữ Tam. Lúc này gian Chánh điện cũng là một gian thờ với các chi tiết như vừa nói trên, nhưng không có cửa ngăn lại. Tiếp giáp với gian chính điện là bàn Ẩm thực- nơi bày biện phẩm vật cúng thần. Kế đó là bàn thờ Hội đồng, và sau đó là các bàn thờ khác: Quan Công, Nguyễn Trung Trực… rồi đến Võ ca và Cổng đình.

Bên trong Chánh điện là một hệ thống cột kèo, xà ngang vững chắc dùng để nâng đỡ mái đình. Các cột đình thường rất to, được làm bằng gỗ tốt, có đắp nổi hình rồng, hoặc chạm khắc câu đối. Trên các thanh xà ngang dưới mái đình thường có các hoành phi, câu đối, võng rèm dàn trải từ tiền đến hậu đình. Ngoài ra, trên các thanh xà ngang còn có các dạng hoa văn chi chít, nét chạm khắc tinh vi, hoặc sơn son thếp vàng… làm cho nội thất trong đình thêm phần lộng lẫy nhưng vẫn không kém vẻ tôn nghiêm.

Đó là những nét sơ lược về kiến trúc đình ở Cần Thơ. Dạng thức kiến trúc này không phải lúc nào cũng trùng khớp với tất cả các ngôi đình trên địa bàn, bởi tùy vào diện tích của từng ngôi đình, không gian thờ cúng mà mỗi ngôi đình có kiểu kiến trúc riêng.

Trần Phỏng Diều


(1) Hồ Tường (Chủ biên) - Nguyễn Hữu Thế (2005), Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.29.

(2) Hồ Tường - Nguyễn Hữu Thế, Sđd, tr.34.

(3) Hồ Tường (Chủ biên) - Nguyễn Hữu Thế, Sđd, tr.41-45.

(4) Phạm Anh Dũng (2013), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb Xây Dựng, tr.97.

Chia sẻ bài viết