18/02/2012 - 09:17

PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI:

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng bỏ trống đất đai

(TTXVN)- Sáng 17-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở Việt Nam.

Ghi nhận 7 thành tựu cơ bản mà các KCN, KCX và KKT đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Qua 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KCX và KKT đã đóng góp 32% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, 25% kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách tăng so với giai đoạn trước đây 5,96 tỉ USD. Đầu tư hạ tầng 9,5 tỉ USD và 80 tỉ USD là vốn đầu tư; trong đó 20 tỉ USD là vốn trong nước và giải quyết được việc làm cho 1,6 triệu lao động. Với kết quả đạt được, nền kinh tế đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu; trong đó công nghiệp chiếm tới 42%. Tuy nhiên, sự phát triển của KCN, KCX và KKT thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng tích tụ đất đai, vốn cũng như chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Vì vậy, các định hướng và giải pháp trong thời gian tới cần tập trung vào 3 trọng tâm đột phá gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động và hoàn thiện thể chế luật pháp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đề ra: Thu hút thêm 3 tỉ USD cho hạ tầng KCN, KKT, KCX; nâng tỷ lệ lấp đầy lên khoảng 70% và đạt tỷ lệ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 50% vào năm 2015; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động và hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng vào năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý về đầu tư và công tác quản lý KCN, KCX, KKT cũng đã được phân cấp mạnh cho các địa phương nhưng để giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh của nhà đầu tư cần có sự chung tay giúp sức của các bộ ngành liên quan. Vì vậy, giải pháp cần thiết là hình thành một Ban Chỉ đạo Trung ương họp luân phiên 6 tháng/lần để xử lý cụ thể các vướng mắc, nhất là khi triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn.

Các địa phương cần đưa ra mục tiêu ưu tiên và tập trung vốn cho các dự án có khả năng lấp đầy, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bỏ trống đất đai. Tới đây, Chính phủ sẽ ra Nghị định về quản lý đất lúa nước với 3,8 triệu ha; trong đó có 3,2 triệu ha quản lý liên ngành. Do vậy, các KCN, KCX và KKT sẽ tiến tới các vị trí khó khăn hơn nên Nhà nước và doanh nghiệp sẽ phải cùng phối hợp để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chia sẻ bài viết