27/10/2018 - 17:47

Khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

 (CT)- Ngày 27-10, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Công nghệ sinh học vùng ĐBSCL 2018-Thành tựu và Phát triển”.

Các bài tham luận tại Hội thảo tập trung giới thiệu các thành tựu, công trình nghiên cứu về ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Đơn cử như: Phân lập, định danh và đặc điểm của vi khuẩn gây bệnh trên cá lóc (Channa Striata) nuôi thâm canh ở ĐBSCL; Đánh giá kiểu hình và kiểu gen chống chịu ngập trên bộ giống lúa cao sản triển vọng; Bảo quản lạnh tế bào trứng heo giai đoạn trưởng thành bằng phương pháp thủy tinh hóa trong cryotech; CNSH phân tử Bacillus subtilis và tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp… Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng CNSH, công nghệ cao ở ĐBSCL chủ yếu dừng lại ở các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Việc nhân rộng những mô hình này ra sản xuất đại trà còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ quản lý và tay nghề cao; có nhiều rủi ro về giá cả, thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp ngán ngại đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, CNSH do hạ tầng chưa hoàn thiện; cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ CNSH chưa đồng bộ. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đúng, chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNSH trong sản xuất nên chưa chủ động trong việc định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNSH, công nghệ cao tại địa phương.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng các bộ ngành hữu quan và địa phương cần khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng CNSH. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về tư duy sản xuất hàng hóa ứng dụng CNSH xem đây là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt và là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNSH; đề ra nhiều chính sách để xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng CNSH, công nghệ cao trên các sản phẩm, chủ lực có lợi thế của vùng để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao…

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết