11/11/2013 - 22:19

Khuyến khích phát triển mô hình sử dụng khí biogas ở nông thôn

Hiện nay, nhiều gia đình ở nông thôn đã không còn xa lạ với chuyện làm hầm biogas hay túi ủ biogas để xử lý các chất thải trong chăn nuôi, biến chúng thành khí gas phục vụ đun nấu. Công nghệ khí sinh học - Biogas còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khí thải gây hiệu ứng nhà kính…

* Hiệu quả thiết thực từ biogas

Công nghệ khí sinh học - Biogas là một giải pháp hữu hiệu để giúp xử lý các chất thải, giảm thiểu mùi hôi khó chịu trong chăn nuôi và các chất gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Tùy theo quy mô và điều kiện diện tích chăn nuôi mà các hộ dân có thể chọn giải pháp làm hầm biogas hay túi ủ biogas. Ông Dương Hoàng Dũng, chủ một trại chăn nuôi heo có qui mô hàng trăm con ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Nuôi heo với số lượng hàng trăm con như tôi mà không làm biogas thì mùi hôi từ chất thải chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng xóm. Biogas giúp tăng hiệu quả kinh tế gia đình, nguồn khí gas phục vụ đun nấu và thắp sáng cho trại nuôi heo…".

Ông Nguyễn Văn Thanh (ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) nạp bèo tai tượng vào túi ủ biogas.

Chất thải đầu ra từ túi ủ biogas là nguồn phân hữu cơ tốt cho trồng trọt và có thể phục vụ cho nuôi thủy sản. Sử dụng khí gas sinh học từ biogas cũng góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hạn chế sử dụng củi và các nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, túi ủ biogas còn giúp cho đàn heo ít bị dịch bệnh khi các chất thải trong chăn nuôi được xử lý tốt. Hơn 18 năm gắn bó với nghề chăn nuôi heo và làm túi ủ biogas, ông Lê Hoàng Thanh ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: "Các chất thải chăn nuôi sau quá trình phân hủy trong túi ủ biogas được đưa ra ngoài, các ký sinh và nhiều loại vi khuẩn gây hại cho heo hầu như đã bị tiêu diệt tới 95%. Do vậy, đàn heo ít bị bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc thú y". Theo ông Lê Hoàng Thanh, với số lượng đàn heo từ 4-10 con, các hộ gia đình chỉ cần đầu tư khoảng 1,6-2,5 triệu đồng là có thể làm túi ủ biogas chiều dài 8-10m, đảm bảo tốt việc cung cấp khí gas phục vụ đun nấu trong gia đình. Hiện giá gas trên thị trường ở mức trên 400.000 đồng/bình 12kg và thời gian sử dụng bình gas này tại nhiều hộ gia đình chỉ trong khoảng 2-3 tháng. Tính ra, chỉ cần trong khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khi đầu tư túi ủ biogas là các hộ gia đình có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của túi ủ biogas bình quân 10-12 năm, thậm chí lên đến 18 năm nếu được che chắn, bảo vệ tốt. Ngoài ra, khi sử dụng nguồn chất thải đầu ra của túi ủ biogas để làm phân bón cho nhiều loại cây trồng có thể giúp giảm được 60% chi phí phân bón, phục vụ nuôi các loại cá (như sặt rằn, cá hường…) có thể giúp giảm khoảng 40% chi phí thức ăn chăn nuôi.

* Cần khuyến khích người dân

Ngành nông nghiệp và chính quyền tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực khuyến cáo các hộ chăn nuôi heo phát triển làm hầm biogas và túi ủ biogas. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tranh thủ nguồn tài trợ từ các chương trình, dự án quốc tế để hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình biogas. Tuy nhiên, do còn thiếu thông tin, kỹ thuật về biogas và ngại vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm nên nhiều hộ dân chưa tham gia. Tại nhiều địa phương, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ có số đàn vật nuôi không ổn định cũng làm hạn chế đến sự quan tâm đầu tư làm biogas của người dân. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, việc hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt túi ủ biogas từ Dự án "Phát triển nông thôn dựa trên cơ chế phát triển sạch ở ĐBSCL"- CDM do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản về Khoa học nông nghiệp (JIRCAS) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, thời gian qua các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đã rất tích cực tham gia làm biogas. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, dự án đã hỗ trợ cho 210 hộ dân trên địa bàn huyện lắp đặt túi ủ biogas. Anh Huỳnh Văn Diệp, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: "Phần lớn các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đã thấy hiệu quả của túi ủ biogas và rất muốn tham gia do được sự hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện từ các dự án. Song, thời gian gần đây giá cả đầu ra heo hơi bấp bênh, nhiều hộ gia đình đã giảm mạnh số lượng đàn heo, hoặc tạm thời nghỉ nuôi nên chưa dám đầu tư làm túi biogas".

Vấn đề nhiều hộ dân quan tâm khi muốn đầu tư làm biogas là chi phí đầu tư ban đầu, nguồn nguyên liệu đầu vào cho biogas và khả năng dễ vận hành và có thể sử dụng hiệu quả và lâu dài của biogas. Theo ông Nguyễn Văn Thanh ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, khi được Dự án CDM hỗ trợ ông mới biết rằng, không cần chăn nuôi heo cũng có thể làm được túi ủ biogas để sản xuất khí gas, chi phí đầu tư không quá cao. Ông Thanh vui vẻ, nói: "Tháng 5-2013, tôi được dự án CDM hỗ trợ 50% chi phí để lắp túi ủ biogas dài 12m, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào bằng loại thực vật là bèo tai tượng phổ biến tại nhiều vùng nông thôn. Qua hơn 5 tháng sử dụng, tôi thấy rất hiệu quả, chỉ cần nạp vào túi ủ khoảng 40kg bèo tươi hoặc khoảng 3kg bèo khô là có thể tạo nguồn khí gas đảm bảo cho đun nấu trong gia đình. Mô hình này theo tôi cần được nhân rộng cho các hộ gia đình ở nông thôn".

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khí sinh học biogas, tiềm năng phát triển sản xuất khí gas từ túi ủ biogas tại các hộ gia đình ở nông thôn rất lớn. Cùng với các nguồn chất thải trong chăn nuôi gia súc gia cầm và sinh hoạt gia đình, các hộ gia đình còn có thể sử dụng các nguồn thực vật như: cỏ, lục bình, bèo tai tượng…để làm túi ủ biogas. Túi ủ biogas có nhược điểm so với làm hầm biogas ở chỗ đòi hỏi phải có mặt bằng rộng để đặt túi ủ. Tuy nhiên, làm túi ủ biogas có ưu điểm là chi phí đầu tư ban đầu thấp và vận hành cũng đơn giản và dễ khắc phục khi có sự cố, hiện nay các túi ủ biogas đã được cải tiến rất nhiều so với các túi thế hệ cũ.

Theo Ban chủ nhiệm Dự án CDM (dự án này triển khai từ năm 2008 kéo dài đến năm 2016), thời gian qua, dự án đã hỗ trợ lắp đặt trên 300 túi ủ biogas cho các hộ dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ như: Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng… Tới đây dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ lắp đặt thêm khoảng 700 túi ủ biogas để đạt chỉ tiêu dự án 1.000 túi, bao gồm các túi ủ biogas phục vụ cho chăn nuôi và túi ủ sử dụng các nguồn nguyên liệu thực vật.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết