04/11/2017 - 08:38

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14:

Không thể trì hoãn xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 3-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện).

Các đại biểu đánh giá, Luật Cơ quan đại diện hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như triển khai các quy định mới của Hiến pháp 2013; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước; phù hợp với vai trò, vị thế của cơ quan đại diện trong công tác đối ngoại hiện nay.

Dự thảo Luật bổ sung khoản 2 Điều 17, quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ; năng lực, kinh nghiệm; sức khỏe, độ tuổi trên cơ sở bám sát tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo theo các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và đặc thù của ngành ngoại giao.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung quản lý kinh phí của cơ quan đại diện như trong dự thảo Luật. Theo đó, kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ; kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn đặc thù được cấp cho cơ quan hữu quan phụ trách hoạt động đó để phân bổ thực hiện và Chính phủ quy định chi tiết điểm này.

Tại phiên họp sáng 3-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về nội dung này. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với phương án đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc thực hiện Dự án có quy mô rất lớn theo một hình thức đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế là không khả thi. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần.

* Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

 Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu đồng tình với quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính.

TTXVN

Chia sẻ bài viết