20/06/2021 - 14:19

Không thể phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người 

Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Quan điểm, tư tưởng đúng đắn, tiến bộ và hệ thống pháp luật về quyền con người của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Người dân đã và đang được thụ hưởng quyền con người trên mọi lĩnh vực theo tinh thần các công ước quốc tế, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, một số thế lực thù địch vẫn cố tình tìm cách phủ nhận, đưa ra những nhận xét, đánh giá sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc về việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam về quyền con người - những thành tựu đạt được

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, vấn đề quyền con người, pháp luật về quyền con người là một nội dung rất quan trọng trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta xác định, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Nhiệm vụ của Đảng là tập hợp lực lượng toàn dân, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng, Nhà nước Việt Nam tập trung quan tâm sâu sắc đến vấn đề quyền con người, hướng tới mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Từ đó, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959.

Trong hoàn cảnh phải tiến hành các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhà nước Việt Nam bước đầu tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế; năm 1957, Việt Nam tham gia 4 Công ước Giơ-ne-vơ của Luật Nhân đạo quốc tế(2). Sau khi đất nước thống nhất, trở thành thành viên của Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam tích cực tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người(3).

Thực hiện công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam có bước phát triển ấn tượng về kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đổi mới kinh tế đặt ra nhu cầu công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trên lĩnh vực kinh tế, đồng thời, tác động đến quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 quy định bản chất quyền lực của Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân… Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 1, Điều 2, Điều 3, Hiến pháp năm 2013).

Để bảo đảm quyền lợi của cử tri, thành viên Tổ bầu cử số 05, bản Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La mang hòm phiếu đến tận nhà để cử tri Lò Thị Pỉ (96 tuổi) được tận tay bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026._Ảnh: TTXVN

Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12-7-1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, “Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” xác định những nội dung cốt lõi nhất về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề quan trọng này; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, đặt con người vào “vị trí trung tâm”, “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”(4) trở thành một nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hệ thống pháp luật về quyền con người ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện trên các mặt sau:

Một là, tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người.

Trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người, như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, ký ngày 24-9-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18-12-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19-3-1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20-2-1990; Công ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22-10-2007… Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Thụy Sỹ và Liên minh Châu Âu (EU)... nhằm trao đổi quan điểm, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hướng tới nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia.

Hai là, thể hiện vai trò là thành viên tích cực trong các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền.

Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đặc biệt, ngày 7-6-2019, tại trụ sở Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu. Mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4 - 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp. Những thành tựu đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam, bất chấp những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Ba là, thành tựu đáng kể của hệ thống pháp luật về quyền con người.

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị, “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” cho thấy, đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thì quyền con người, quyền công dân đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều đáng lưu ý, các nội dung liên quan đến quyền con người không chỉ được quy định trong Chương II mà còn được đưa vào nhiều chương khác của Hiến pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình. Khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp xác định rõ “mọi người có quyền ”, “công dân có quyền”, để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. 

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người ở một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, ở Hiến pháp năm 1992, khái niệm  quyền con người chủ yếu dừng lại ở chủ thể là “công dân”: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50), thì ở Hiến pháp năm 2013, các chủ thể của quyền con người thuộc về tất cả mọi người chứ không chỉ là công dân. Việc ghi nhận này có ý nghĩa quan trọng trong việc nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, đồng thời, tránh được sự nhầm lẫn giữa quyền con người và quyền công dân thường mắc phải trong các cách hiểu trước đó.

Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 bổ sung thêm một số quyền mới mang tính thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thể hiện vai trò làm chủ thực chất của người dân, như: quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; quyền tiếp cận thông tin; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và danh dự; quyền được hưởng an sinh xã hội; quyền được sống trong môi trường trong lành...

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang_Ảnh: TTXVN

Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc hạn chế quyền con người: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14) và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14).

Bên cạnh việc chế định quyền con người trong Hiến pháp, Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Chỉ tính từ khi Hiến pháp năm 2013 đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng các đạo luật theo nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ. Trong quy trình xây dựng pháp luật, các dự thảo luật đều được công bố rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân.

Có thể khẳng định, với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người.

Tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm quyền con người - những thành tựu không thể phủ nhận

Với hệ thống pháp luật về quyền con người đồng bộ, từng bước hoàn thiện, việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật về quyền con người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quyết định số 366/QĐ-TTg, ngày 14-3-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới” nhằm cụ thể hóa một bước quan trọng nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của các chủ thể có trách nhiệm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân. Nhà nước luôn chú trọng lồng ghép quyền con người vào quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện các chương trình, chính sách phát triển; chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Cùng với việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật về quyền con người, Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và củng cố các thiết chế bảo đảm quyền con người. Ngoài thiết chế nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và truyền thông, báo chí cũng tham gia tích cực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các cơ quan chuyên môn, chuyên trách về quyền con người được Nhà nước thành lập, như: Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ và các địa phương; xây dựng và hoàn thiện tổ chức của các cơ quan chuẩn bị và thực hiện báo cáo tình hình thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia thành viên; xây dựng và hoàn thiện báo cáo nhân quyền trong khuôn khổ cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế khác trên lĩnh vực quyền con người. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu và xúc tiến việc thành lập Ủy ban Nhân quyền quốc gia - cơ quan chuyên trách về quyền con người để theo dõi, giám sát, tư vấn việc thực thi quyền con người trên phạm vi cả nước.

Việc giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về quyền con người cho các tầng lớp nhân dân được Việt Nam đặc biệt chú trọng. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các hình thức giáo dục phù hợp với mọi đối tượng trong xã hội. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang xúc tiến đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng các mục tiêu, nội dung và lộ trình được quy định trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”; thực hiện liên kết trong giáo dục, đào tạo về quyền con người, quyền công dân giữa hệ thống trường chính trị, hành chính, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu…

Kết quả trong việc thực thi pháp luật về quyền con người còn được thể hiện thông qua việc Nhà nước triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Thành tựu về quyền con người của Việt Nam được Liên hợp quốc thừa nhận. Đến nay, Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng. “Trong khi thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới”(5). Tạp chí The Economist tháng 8-2020 xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Trang liberationnews.org (Mỹ)(6) kết luận: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 “không đơn giản là một phép màu”, mà đó là “kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế”. Đó là mô hình “để không ai bị bỏ lại phía sau”. Với những kết quả đạt được trong việc thực thi pháp luật về quyền con người, cùng với môi trường thiên nhiên tươi đẹp, chế độ chính trị văn minh, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, năm 2019, Việt Nam đã vinh dự lọt vào tốp 10 danh sách những quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới(7). Nói về những thành công của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 đến nay. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có những bước tiến bộ trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”(8).

Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người  của nhân dân_Ảnh: Tư liệu

“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(9). Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hoạt động xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người đóng vai trò quan trọng. Chưa bao giờ, quyền được sống, quyền có ăn, có mặc, có nhà ở và quyền tham gia về chính trị, văn hóa, quyền về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do kinh doanh hay những quyền tự do ứng cử, thể hiện quan điểm trong xã hội, được chăm lo như hiện nay. Đó là thành quả lớn lao trong nỗ lực vì  quyền con người của Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thành tựu đạt được trong việc xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người của Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận, bịa đặt, công kích Nhà nước Việt Nam "vi phạm các quyền con người , quyền công dân" (?!). Ngày 21-1-2021, Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền Việt Nam, tiếp tục lặp lại chỉ trích Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, vì họ cho rằng, những luật này đang giới hạn các quyền tự do căn bản của con người. Trên một số diễn đàn quốc tế đa phương và song phương, một số tổ chức, chính phủ thể hiện thái độ thiếu thiện chí, cố tình hiểu sai khi cho rằng nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay không còn phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, đòi Việt Nam thay đổi cách tiếp cận theo quan điểm nhân quyền của họ (?!). Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ những năm gần đây đã nêu các bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, song báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng liên quan đến vấn đề xây dựng và thực thi pháp luật về QCN tại Việt Nam...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo nhân quyền thường niên của Hoa Kỳ năm 2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”(11). Đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm của Việt Nam trước Báo cáo nhân quyền thường niên của Hoa Kỳ năm 2020: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao… Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”(12).       

Những thành tựu tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm về quyền con người mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao; là bằng chứng thuyết phục, không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người, bảo đảm quyền con người, đồng thời đanh thép bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về vấn đề trên. Nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập niên của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.

-------------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 2
(2) Bốn Công ước Giơ-ne-vơ 1949, gồm: 1- Cải thiện tình trạng cho thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; 2- Cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển; 3- Đối xử với tù binh chiến tranh; 4- Bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh
(3) Trong 3 năm 1981, 1982 và 1983, nhà nước Việt Nam đã tham gia các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, như: Công ước về ngăn ngừa và xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc 1965; Công ước về các quyền dân sự, chính trị 1966; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ 1979; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969
(4), (5), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 28, 23, 25
(6)Xem:Librationnews.org/Why-has-no-one-in-vietnam-died-fromcoronavirus, “Vietnam’s success so far is not simply a miracle. It is the result of a heavily planned economy with a socialist government that puts people over profits”
(7) Hồng Anh: Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống nhất hành tinh, báo Hà Nội mới điện tử, ngày 5-7-2019
(8) Bảo Như: Hiện thực hóa quyền con người bằng những chính sách thiết thực, việc làm nhân văn, báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 7-12-2020
(10) Vũ Đăng Minh: Thấy gì qua Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về nhân quyền Việt Nam, báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 25-1-2021
(11) Bảo Chi: Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam, báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 23-3-2020
(12) Mạnh Hùng: Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 10-4-2021

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết