03/09/2010 - 20:55

Không nên mua bán, nuôi, phóng sinh rùa tai đỏ

Gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ có một số cơ sở cá kiểng đã nhập rùa tai đỏ về bán cho nhiều người nuôi, hoặc thả phóng sinh. Hiện nay, vẫn còn không ít người chưa biết tác hại của nó, nếu để rùa tai đỏ thoát ra ngoài tự nhiên sẽ gây hại lớn cho môi trường.

Rùa tai đỏ là một loài động vật ăn thịt có hại cho môi trường, nhưng hiện nay nhiều người dân vẫn còn nuôi trong nhà làm cảnh.
Ảnh: K.C 

Chị C.N. ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Lúc đầu đến tiệm cá kiểng mua rùa nuôi chơi, có nhiều loại nhưng tui thấy có con rùa chấm đỏ lạ, đẹp nên mua về nuôi thử. Tui nuôi được 2 tháng rồi, giống rùa này ăn tạp, lớn nhanh, rất hung dữ, hay cắn đứt đuôi những con cá kiểng nuôi cùng hồ, giờ tui bỏ nó ra nuôi ở hồ riêng. Gần đây, qua phương tiện thông tin đại chúng, tui mới biết rùa tai đỏ gây hại cho môi trường. Giờ tui cũng không biết xử lý nó như thế nào?”.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ: Rùa tai đỏ xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm nay được du nhập bằng các nguồn nhập lậu; một số người du lịch đem về nuôi cảnh... người dân đem rùa đi phóng sinh nên số lượng ngày càng sinh sôi. Tháng 4-2010, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ nhập 40 tấn rùa tai đỏ về nuôi để lấy thịt xuất sang Trung Quốc. Từ thông tin trên, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ đã rà soát kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh cá kiểng, yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh giống rùa này. Tuy nhiên, trước đó ở một vài cửa hàng kinh doanh cá kiểng đã mua bán rùa tai đỏ với tính chất nhỏ lẻ...

Chị T. chủ một cửa hàng kinh doanh cá kiểng ở quốc lộ 91B nói: “Trước kia, chúng tôi nhập giống rùa tai đỏ từ TP Hồ Chí Minh về, mỗi ngày bán ra hơn chục con. Khách hàng tới đây mua chủ yếu để làm cảnh hoặc phóng sinh. Từ khi có thông báo cấm bán loại rùa này tui mới biết nó có tác hại tới môi trường. Hồi đợt cuối năm ngoái, tui cũng đem loài rùa này đi phóng sinh, không ngờ mình làm việc thiện mà vô tình lại đem phát tán nó nhiều thêm, gây hại cho môi trường”.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, rùa tai đỏ không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất kinh doanh và nhập khẩu thông thường ban hành kèm theo Quyết định 572008QĐ-BNN ngày 2-5-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ đề nghị các tổ chức, cá nhân không nuôi, mua bán, chế biến, lưu giữ, phát tán rùa tai đỏ dưới mọi hình thức.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu nuôi trồng thủy sản: Rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Mỹ. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã liệt kê loài rùa tai đỏ vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Rùa tai đỏ có thể cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái; rùa tai đỏ có mang vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, khi nhiễm vào thức ăn sẽ gây độc cho người.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, khuyến cáo: Đối với các hộ nuôi làm cảnh thì cố gắng nuôi rùa tai đỏ trong khuôn viên và giới hạn nhất định, không để thoát ra ngoài môi trường. Bà con không nên tiếp tục mua rùa tai đỏ về nuôi hay phóng sinh. Vì lợi ích chung của cộng đồng, đề nghị các đơn vị có liên quan tổ chức việc vận động, tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi để ngăn chặn việc nuôi, mua bán, chế biến, lưu giữ, phát tán rùa tai đỏ trên địa bàn. Tại TP Cần Thơ, nếu người dân phát hiện việc tổ chức mua bán rùa tai đỏ thì nên báo ngay cho Chi cục Thủy sản theo số điện thoại: 0710.3810.763 để kịp thời ngăn chặn.

M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết