11/09/2018 - 07:20

Không chủ quan với suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới 

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là bệnh phổ biến hiện nay. Dù bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng việc điều trị ở giai đoạn muộn sẽ khó khăn hơn nhiều và làm tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. 

Có thể điều trị khỏi hoàn toàn

Anh Nguyễn Quốc B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị suy giãn tĩnh mạch mấy năm nay. Anh thường bị đau, mỏi bắp chân, nhất là khi đứng lâu hay vận động chân nhiều. Có lúc bàn chân đau, không đứng nổi, ảnh hưởng đến công việc. Cẳng chân nổi gân và giống như mạng nhện. Thỉnh thoảng khi ngủ, anh bị chuột rút. Đi khám bác sĩ nói bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính. Anh điều trị vài bữa rồi bỏ vì nghĩ cũng không ảnh hưởng đến sinh mạng, chỉ bất tiện trong sinh hoạt, làm việc.

Tập thể dục là giải pháp tốt phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Ảnh: ĐOÀN LÝ
Tập thể dục là giải pháp tốt phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Ảnh: ĐOÀN LÝ

Suy nghĩ của anh B cũng giống với nhiều bệnh nhân. Chính vì thế nhiều bệnh nhân nhập viện muộn. Bác sĩ chuyên khoa II Trầm Công Chất, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân nhập viện khá muộn, ở độ IV trở lên. Trong khi bệnh này chia từ độ 0 đến độ 6. Nhiều bệnh nhân nhập viện khi bàn chân bị loét, sạm da chân… do bệnh nhân nghĩ bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng, có thể sống chung cả đời.

“Đúng là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng khi phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa, uống thuốc, luyện tập và mang vớ là khỏi bệnh. Ở độ nặng, tùy lâm sàng, siêu âm, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị như dùng laser, RFA (sóng cao tần) đốt tĩnh mạch nông. Nếu tĩnh mạch quá to và có huyết khối, việc đốt không có chỉ định, bác sĩ phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch và lấy đi các nhánh bên cùng với huyết khối. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc, mang vớ. Việc điều trị ở giai đoạn muộn khó và làm tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trong thực tế, khi thấy cẳng chân mình đau ở vùng bắp chuối, tê, vọp bẻ, cẳng chân nổi ngoằn ngoèo…, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa mạch máu khám, để được tư vấn về cách điều trị bệnh lý này”- bác sĩ Trầm Công Chất nói.

Dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác

Bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là tình trạng tĩnh mạch nông giãn, chạy quanh co, thấy rõ dưới da của chi dưới và có dòng chảy trào ngược. Từ đó, người bệnh có triệu chứng như: nặng và mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, tĩnh mạch giãn dạng mạng lưới dưới da hoặc các búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo, phù chân, da sạm màu, loét chân, những dấu hiệu này cần phân biệt với một số bệnh lý khác: huyết khối tĩnh mạch sâu, viêm tắc động mạch, dò động tĩnh mạch, viêm tắc hạch bạch huyết… để chẩn đoán phân biệt, bác sĩ kết hợp khám lâm sàng, siêu âm mạch máu.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới có khá nhiều như: yếu tố di truyền, chế độ làm việc phải đứng nhiều, mang thai, béo phì, dùng giày không thích hợp…, trong đó nữ chiếm đa số và phần lớn hay gặp ở bệnh nhân làm việc văn phòng, đứng hay ngồi quá nhiều. Các nhà khoa học dự đoán bệnh sẽ gia tăng. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trầm Công Chất, việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch nông mạn tính chi dưới đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và vật lý trị liệu tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này. Ngoài ra, việc mang vớ y khoa rất quan trọng trong quá trình điều trị và sau điều trị.

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy, khuyến cáo chung là nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao, đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 - 60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục để giảm cân như: bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh…

ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết